Sấm sét là thứ khiến cho bất kì ai cũng phải sợ hãi và khi trời mưa giông, nhìn thấy một ánh chớp lóe lên dù ở rất xa cũng khiến chúng ta phải giật mình. Đó là với những người đang ở dưới mặt đất, vậy khi chúng ta ở trên không, trong những chiếc máy bay với bình nhiên liệu đầy ắp thì liệu khả năng bị sét đánh có cao hơn hay không? Và những cú sét đánh trúng máy bay liệu có gây nguy hiểm cho người ngồi bên trong?

Mới đây nhất, vụ việc chiếc máy bay B787 thuộc hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản) bị sét đánh khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài càng khiến dư luận quan tâm hơn về vấn đề này. Chiếc máy bay này đang thực hiện chuyến bay NH857 từ Nhật Bản về Nội Bài.

Thực tế thì việc máy bay bị sét đánh xảy ra khá thường xuyên, theo ước tính thì mỗi chiếc máy bay dân dụng tại Mỹ trung bình sẽ bị sét đánh trúng mỗi năm một lần. Dù vậy nhưng hãy yên tâm vì nó không để lại hậu quả nghiêm trọng gì nhờ có các biện pháp bảo vệ mà các nhà khoa học đã sáng chế ra. 

Cũng nhờ có các phát minh này mà theo thông tin thì tại Mỹ mới chỉ có một vài trường hợp máy bay bị ảnh hưởng nặng vì sét đánh. Nặng nề nhất là vụ việc xảy ra vào năm 1967 khi sét đánh trúng khoang chứa xăng khiến máy bay phát nổ mà thôi. Kể từ đó đến nay, đã có rất nhiều những cải tiến được đưa ra nhằm khắc phục và không để thảm họa trên xảy ra thêm một lần nữa.

Máy bay bị sét đánh: Chuyện thường ngày ở huyện   - Ảnh 1.

Với các máy bay ngày nay, khi bị sét đánh thì có thể hành khách sẽ nhìn thấy ánh sáng lóe lên, nghe được tiếng sấm rất lớn nhưng hãy yên chí, sẽ không có thiệt hại gì quá lớn xảy ra. 

Thiết kế của máy bay sẽ khiến cho các tia sét đánh trực tiếp vào những vùng có thiết kế ăng ten như mũi hay đầu cánh máy bay. Phần vỏ của máy bay được làm chủ yếu từ nhôm, một kim loại dẫn điện khá tốt với thiết kế liền mạch, không có khoảng trống để đảm bảo rằng dòng điện chạy qua sẽ bị giữ ở phần vỏ bên ngoài chứ không gây ảnh hưởng tới các thiết kế bên trong. Một số máy bay hiện đại có lớp vỏ làm bằng nguyên liệu Composite, ít dẫn diện hơn sẽ được lắp đặt thêm một lớp lưới dẫn điện bên trong có thiết kế để chống chịu lại dòng điện năng mà các tia sét truyền vào thân máy bay.

Trên máy bay hiện nay còn có rất nhiều những thiết bị điện tử, bao gồm máy tính, bộ điều khiển, các thiết bị giải trí... những thứ dễ bị ảnh hưởng quá tải điện năng khi bị sét đánh. Vì thế, để bảo vệ những thiết bị này, các kĩ sư thiết kế đã phải đảm bảo rằng luồng điện năng bị giữ lại tại phần vỏ không thể bị rò rỉ vào các bộ phận bên trong và gây ảnh hưởng tới hành khách cũng như các bộ phận điện tử bên trong máy bay. Các bộ phận này sẽ được bảo vệ bởi một bộ dây cáp dài hàng km, ngăn chặn bất kì lượng điện năng rò rỉ nào gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoang bên trong máy bay. Tất cả những thiết bị chống sét này đều sẽ được kiểm định kĩ lưỡng trước khi lắp đặt trên máy bay.

Máy bay bị sét đánh: Chuyện thường ngày ở huyện   - Ảnh 2.

Một vùng khá quan trọng khác của máy bay chính là hệ thống cung cấp nhiên liệu, nơi mà chỉ cần một tia lửa điện nhỏ xuất hiện cũng sẽ gây ra thảm họa khôn lường. Các kĩ sư cũng đã thiết kế lại hệ thống dẫn nhiên liệu để đảm bảo rằng điện năng từ các tia sét sẽ không thể gây ra bất kì một tia lửa điện nhỏ nào trong hệ thống. Lớp vỏ của bình nhiên liệu cũng đủ dày để chống chịu khi hỏa hoạn xảy ra. Tất cả các bộ phận được bố trí sát nhau, gần như không có kẽ hở để ngăn ngừa sự hình thành tia lửa điện. Cửa ra vào, nắp bình chứa nhiên liệu cùng hệ thống ống dẫn cũng đều được thiết kế chắc chắn để chống chịu được sét. Ngoài ra thì bản thân nhiên liệu máy bay cũng đã được cải tiến để giảm thiểu khả năng cháy nổ.

Bộ phận radar được đặt ở mũi phía trước của máy bay cũng là nơi cần được bảo vệ. Vì thế, lớp vỏ bảo vệ của radar không được làm bằng các vật liệu dẫn điện. Thay vào đó, các tia sét sẽ được tản ra lớp vỏ dọc theo thân máy bay để bảo vệ cho các thiết bị radar.

Ngoài các thiết kế để bảo vệ máy bay khỏi sét đánh, bản thân phi công cũng phải được đào tạo và hiểu biết đôi chút về các loại hình thời tiết, kết hợp với sự trợ giúp, chỉ dẫn từ các trạm kiểm soát không lưu dưới đất để dự đoán tình hình và tránh các vùng thời tiết xấu. Rất nhiều quy tắc an toàn cũng đã được đưa ra và được các phi công tuân thủ nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách khi có sự cố sét đánh xảy ra.

Như vậy, có thể thấy rằng việc máy bay bị sét đánh cũng không hẳn là chuyện quá hiếm gặp và với các công nghệ phát triển như hiện nay thì sự cố trên cũng không gây nên hậu quả quá nghiêm trọng như chúng ta lầm tưởng.