Ai cũng sợ rằng sẽ có một ngày, bản thân mình cũng có thể trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn, sẽ bị đè ra đánh thừa sống thiếu chết chỉ vì lời nói vu vơ của một ai đó.

Và từ đó, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh liên quan tới những tờ giấy, tạm gọi là "chứng nhận không bắt cóc trẻ em". Chưa rõ thực hư nguồn gốc những bức ảnh, đó có thể là sản phẩm của photoshop, cũng có thể là trò đùa trực trào nước mắt khi chúng ta đang cố gắng lấy tiếng cười át đi sự phẫn nộ. Bởi ai cũng hiểu, chúng xuất phát từ những vụ đánh người oan vì nghi bắt cóc trẻ em.

Mảnh giấy Chúng tôi không phải bọn bắt cóc dán trên ô tô: Nỗi sợ trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn? - Ảnh 1.

Bạn có thể soạn đơn theo mẫu này... Nguồn: Otofun

Mảnh giấy Chúng tôi không phải bọn bắt cóc dán trên ô tô: Nỗi sợ trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn? - Ảnh 2.

Hoặc như mẫu này nhé! Nguồn: Facebook

Hôm qua, hôm trước, những hôm trước nữa, tất cả chúng ta đều kinh qua những bản tin, bài báo, hình ảnh liên quan tới câu chuyện 2 người phụ nữ bị hành hung dã man vì nghi bắt cóc trẻ em. Chuyện kể rằng từ lời nói hoài nghi của một cô gái, người dân hô hào kéo nhau đến "xử đẹp" kẻ bắt cóc cùng tòng phạm.

Nhưng sự thật là họ bị oan!

Mọi thứ dường như đã quá muộn để cứu vãn, thứ duy nhất còn đọng lại là sự van xin, nước mắt, những vết bầm tím,... chở theo cả những nỗi sợ hãi.

Bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) cùng cô Lê Thị Bảy (40 tuổi, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) lên Sóc Sơn để bán tăm cho Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức. Điều mà cả 2 người phụ nữ này không thể ngờ chính là việc bị một nhóm người lao vào đánh đá túi bụi, nằm sõng soài trên mặt đường.

Đoạn clip ghi lại cảnh đó được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, kẻ lên án thì nhiều mà người hoài nghi về tính xác thực thì chẳng mấy ai. Rõ ràng cứ hễ liên quan đến những trò thôi miên, bắt cóc, chưa cần phải xác minh vội, cứ quây lại cho "đối tượng" một trận ra trò cái đã.

Mảnh giấy Chúng tôi không phải bọn bắt cóc dán trên ô tô: Nỗi sợ trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn? - Ảnh 3.

Bà Phúc bị đánh thâm tím mặt mày...

Mảnh giấy Chúng tôi không phải bọn bắt cóc dán trên ô tô: Nỗi sợ trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn? - Ảnh 4.

Còn cô Bảy vẫn đang được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn.

Cả bà Phúc và cô Bảy ngay sau đó đều phải nhập viện cấp cứu, nỗi đau in hình rõ rệt trên thể xác và tinh thần mà bất cứ ai nhìn vào cũng thấy xót xa. Ngỡ tưởng tìm được một công việc mới ổn định trang trải chuyện gia đình, cả 2 người phụ nữ bỗng chốc lại mang thương tích và trở thành gánh nặng tạm thời, chẳng biết liệu sau này có thể làm gì tiếp để lo chuyện bát cơm manh áo.

Nhìn ảnh bà Phúc thâm tím mặt mày, ảnh cô Bảy ngồi trên giường bệnh khuôn mặt méo xệch vì đau đớn, ai cũng thấy thương và... sợ!

Bất kỳ ai cũng sợ rằng mình sẽ là nạn nhân của những vụ việc tương tự như thế. Trước đó phải nói là có hàng chục những tình huống bắt oan nhầm người như trên đã xảy ra. Chỉ cần 1 tin đồn không được kiểm chứng được đưa lên mạng xã hội, rồi qua những cú click chuột, một người đâu đâu cũng có thể được gắn mác "đối tượng có hành vi bắt cóc trẻ em".

Đó là 2 thanh niên ở Bắc Ninh khi đi xin việc có nhờ bé gái đưa đến chỗ của bố để nộp hồ sơ. Tuy nhiên người cần gặp thì chưa được gặp, thay vào đó 2 anh này được "diện kiến" hàng chục người dân quanh khu vực. Và sau tất cả, mọi chuyện được kết luận là sự hiểu nhầm, nhẹ nhàng và rất tỉnh!

Đó là một người phụ nữ quê Nam Định có biểu hiện không bình thường, bỏ nhà ra đi hơn 2 năm trước không may đi lạc đến tỉnh Nghệ An. Tại đây vì có những hành vi kỳ quặc, chị này bị người dân gí dao vào cổ, kiên quyết tra khảo về việc bắt cóc trẻ em. Nhưng thông tin nghi vấn người phụ nữ được lực lượng chức năng bác bỏ. Và người nhà đã tìm ra chị sau 1 ngày chị bỗng nổi đình nổi đám trên facebook với danh xưng "đối tượng bắt cóc trẻ em"!

Mảnh giấy Chúng tôi không phải bọn bắt cóc dán trên ô tô: Nỗi sợ trở thành nạn nhân của đám đông hung hãn? - Ảnh 5.

Người phụ nữ bị người dân gí dao vào cổ vì nghi bắt cóc trẻ.

Suy cho cùng, một chút nghi ngờ được thêu dệt từ mạng xã hội cộng thêm tính hung hãn vốn có, đám đông sẽ hành động theo hành vi mang tính tập thể hơn là lý trí. Họ không kịp có thời gian để ngồi lại phân tích hay diễn giải, rằng người này vô tội hay có tội, họ thậm chí không bận tâm điều này!