Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó phòng Phòng Cháy chữa cháy - Công an TP Hà Nội đã cho biết như trên trong một hội thảo hồi gần đây. Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Động cơ đốt trong, Đại học Bách khoa Hà Nội: “Việc gây cháy xe xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Chúng ta có thể liệt kê một số nguyên nhân chính, nhưng tôi dám chắc chắn, nhiên liệu không thể là nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy xe gần đây”.

Đủ loại nguyên nhân  

Ông Tuấn cho rằng, một trong những căn nguyên dẫn đến cháy xe đó là, người sử dụng xe chưa có kiến thức về phương tiện bản thân đang sử dụng. Họ chỉ biết “đi là đi” và theo thói quen “hỏng đâu sửa đấy”, chỉ khi nào xe hỏng mới sửa thay vì có thói quen đi bảo dưỡng định kỳ. Thêm vào đó, đội ngũ sửa chữa, bảo dưỡng xe yếu kém cũng có thể là một trong những tác nhân chính góp phần gây cháy xe.

img
PGS.TS Lê Anh Tuấn đang trình bày các phương pháp thí nghiệm về động cơ xe gắn máy (Ảnh: Ngũ Hiệp)

“Ngay bản thân tôi đã từng đi bảo dưỡng xe, sau khi thợ tháo rời các bộ phận xe, đến công đoạn lắp vào, tôi không dám chắc chắn là thừa ốc, tuy nhiên một điều chắc chắn rằng, “long đen” thừa ra thì có. Họ coi việc vứt đi những “long đen” đó là điều bình thường, tuy nhiên họ đâu biết rằng chính những hành động “tùy tiện” ấy,  có thể sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng xe...”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, việc các chủ xe không chịu hợp tác khai báo trung thực với cơ quan chức năng khi xe của mình bị cháy cũng khiến cho việc điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây cháy trở nên khó khăn và tình hình cháy xe trở nên khó kiểm soát. Tâm lý của các chủ xe bị cháy né tránh cung cấp thông tin với nhiều lí do như: sợ mất tiền bảo hiểm, sợ mang tiếng “dốt” nên họ sẵn sàng “tát nước theo mưa” cùng dư luận mà không thành thật khai báo những hành động như: tự ý bỏ viên nhiên liệu vào xe, thay đổi nguồn điện, lắp các thiết bị tự chế vào xe…

Đồng quan điểm với ông Tuấn trong việc “bảo vệ” chất lượng nhiên liệu, GS.TS Lê Cảnh Hòa - Trưởng tiểu ban tiêu chuẩn nhiên liệu bôi trơn, Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chia sẻ thêm: “Trạm bán xăng như một cái bếp ăn tập thể, nếu như có một người bị ngộ độc, thì tất cả mọi người khác đều bị cả chứ?”. Ông tiếp tục khẳng định: chất lượng nhiên liệu được sản xuất trong nước hay các nguồn nhiên liệu được nhập khẩu đang lưu thông trên thị trường hiện nay, đều đạt chuẩn quốc tế bởi các cơ quan chức năng đã kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Do vậy không có lí do để nghi ngờ về chất lượng nhiên liệu đang được sử dụng.

Vậy tình trạng gia tăng liên tục các vụ cháy xe hiện nay là do đâu? Ông Tuấn cho rằng:  với số lượng phương tiện phát triển đột biến, các nhà sản xuất luôn chạy theo thị hiếu thẩm mỹ, hình thức và sự tiện dụng của người tiêu dùng… nên thường xuyên thay đổi thiết kế, mẫu mã để cạnh tranh. Các thiết kế xe mới đều có xu hướng “che dấu” đi tối đa phần động cơ, mở rộng cốp xe hơn, bố trí kết cấu miễn sao cho đẹp, đường dây dẫn nhiệt, nhiên liệu rất gần động cơ (nóng), các điều kiện khác như muội than, vệ sinh lọc gió không sạch, khi tia lửa bắn vào dễ gây nên cháy. Đối với ô tô, chủ xe tự ý gắn thêm nhiều “đồ chơi” đi kèm, lắp thêm loa, đài, màn hình... dẫn đến sai thiết kế so với mục đích của nhà sản xuất.

Sẽ còn tiếp tục... cháy xe

Viện Động cơ Đốt trong dẩn số liệu thống kê tại Mỹ, hàng năm số xe cháy đạt tỷ lệ cứ 1.000 xe thì có 1 xe bị cháy, trong khi ở Việt Nam, con số là nửa triệu xe thì có 1 xe cháy! Các chuyên gia tại Viện Động cơ Đốt trong dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng đồng nghĩa với số lượng xe bị cháy sẽ… tiếp tục cháy trong những năm tới. Ông Tuấn cho biết thêm, việc giảm tỷ lệ cháy xe trong thời gian tới là điều rất khó, vì nguyên nhân gây cháy xuất phát từ nhiều phía. Đặc biệt, việc kiểm soát về nhiên liệu đang bị chồng chéo giữa các cơ quan chức năng.

img
Honda sẽ có thay đổi về thiết kế xe như không để dây dẫn nhiên liệu quá gần nguồn nhiệt, bộ phận làm mát không gần cổ ống xả… (Ảnh: Viện Động cơ đốt trong)

Cũng theo ông Tuấn, vừa qua, đại diện hãng Honda đã có buổi làm việc với Viện và khẳng định trong thời gian tới hãng sẽ có một số chi tiết thay đổi về thiết kế như không để dây dẫn nhiên liệu quá gần nguồn nhiệt, bộ phận làm mát không gần cổ ống xả… nhằm hạn chế tối đa khả năng gây cháy của xe. Thêm vào đó, hãng sẽ thay đổi một số vật liệu phù hợp hơn cho một số chi tiết như dây dẫn nhiên liệu, dây dẫn nhiệt, chất liệu động cơ…

Về vấn đề kiểm soát nhiên liệu, ông Trần Minh Dũng - Chánh thanh tra Bộ KH-CN, cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý nguồn nhiên liệu cho rằng: việc thẩm tra quản lý chất lượng nguồn nhiên liệu xăng dầu trong nước và nhập khẩu được Thanh tra bộ triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý lại chưa có một quy chuẩn rõ ràng. Việc kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập khẩu do Bộ KH-CN quản lý, tuy nhiên từ đầu mối cung cấp đến các đại lý lại do Bộ Công thương giám sát, tiếp đến việc quản lý giá, các hình thức mua bán xăng dầu do Bộ Công an và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm. “Bộ KH-CN dù muốn làm quyết liệt cũng khó, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên Chính phủ để xử lý vấn đề này”, ông Dũng bày tỏ.
 
Theo Baodatviet