Khi tham gia giao thông trên một số tuyến cao tốc (ví dụ như cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình), người điều khiển ô tô có thể gặp một số biển báo có nền xanh lá cây với biểu thị số m.

img

Loại biển này như là một cái "thước" nhằm giúp tài xế dễ dàng xác định được khoảng cách an toàn theo quy định với xe chạy trước. Biển đầu tiên cách biển "0m" là 100m, biển "50m" cách biển "0m" là 50m, biển "100m" cách biển "50m" một đoạn 50m nữa, như vậy khoảng cách từ biển đầu tiên đến biển cuối cùng là 200m. Biển đầu tiên có dòng chữ nhắc nhở lái xe giữ khoảng cách theo đúng luật định và số 200m là chiều dài cái thước mà các tài xế chuẩn bị đo chứ không phải các xe phải cách nhau 200m.

img

 Có thể nói thêm, đây chính là một kĩ năng lái xe để giảm bớt rủi ro gây tai nạn, người điều khiển phương tiện phải tăng khoảng cách giữa xe mình và xe phía trước. Nếu tài xế không làm như vậy bạn sẽ đâm vào đuôi xe trước khi xe đó phải dừng gấp. Loại tai nạn này xảy ra quá nhiều trên đường, nhất là đối với người lái xe ít kinh nghiệm. Khoảng cách cần cho bạn dừng xe tuỳ thuộc vào tốc độ mà bạn đang chạy. Chạy càng nhanh bao nhiêu thì cần khoảng đường xa hơn đề dừng xe.

Có một cách dễ nhất để tránh đâm vào đuôi xe trước là dung “quy tắc 3 giây”:
Nguyên tắc đơn giản này áp dụng ở bất kỳ tốc độ nào. Cách làm như sau: Bạn nhìn xe phía trước chạy qua một vật nào đó ở bên đường chẳng hạn như cột đèn, cây hoặc biển báo. Khi xe đó chạy qua vật đó thì bạn bắt đầu đếm “một ngàn lẻ một”, “một ngàn lẻ hai” “một ngàn lẻ ba”. Nếu bạn chạy ngang qua vật mà bạn đã chọn trước khi đọc xong tất cả các số rồi, tức là bạn đã chạy nối đuôi quá sát. Hãy chạy chậm lại và chọn một vật khác bên đường và đếm lại con số đó để chắc chắn rằng bạn đã đảm bảo duy trì đủ khoảng cách chạy nối đuôi.

Cái hay của “quy tắc 3 giây” là nó giúp bạn giữ được khoảng cách chạy nối đuôi an toàn ở bất cứ tốc độ nào. Sử dụng “Quy tắc 3 giây” cho bạn một khoảng cách với xe trước rộng hơn khi bạn lái xe nhanh hơn.
Chú ý, bạn nên để khoảng cách với xe trước nhiều hơn 3 giây khi trời mưa, sương mù, ban đêm bởi vì khó ước lượng được khoảng cách và phát hiện nguy hiểm trong nhũng điều kiện như thế này. Bạn có thể tự nhắc nhở rằng khoảng cách lớn mà bạn duy trì ở phía trước sẽ giúp bạn trở thành người lái xe giỏi và an toàn hơn so với các người lái xe khác.

Tóm tắt: Giữ khoảng cách giữa hai xe an toàn
·        Lái xe càng nhanh, bạn càng cần khoảng đường xa hơn để dừng xe lại.
·        Sử dụng “Quy tắc 3 giây” để giữ khoảng cách an toàn – tăng quy tắc lên4 giây hoặc hơn nữa khi trời tối, trời mưa, sương mù.
·        Trông dò chừng thật xa phía trước và để ý, canh chừng đèn báo phanh bật lên của các xe phía trước.

Và theo trong luật giao thông đường bộ cũng quy định về  tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ:
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2007/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương III
KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC XE CƠ GIỚI THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Điều 9. Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

Điều 10. Trên đường cao tốc, trừ khi nhập làn và tách làn, người lái xe phải duy trì khoảng cách an toàn với xe đang chạy phía trước. Khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:

Tốc độ lưu hành (km/h) :

- Đến 60 ==> Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) : 30

- Trên 60 đến 80 ==> Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) : 50

- Trên 80 đến 100 ==> Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) : 70

- Trên 100 đến 120 ==> Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) : 90

Điều 11. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu quy định tại Điều 10 Quy định này.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

Photo: Muadem (otofun)