Thống kê trung bình cho thấy gần hai phần ba trong số 1,2 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông đường bộ trên toàn thế giới là người đi bộ. Mặc dù vấn đề này vô cùng nghiêm trọng, hầu hết các nỗ lực giảm tử vong cho người đi bộ chỉ tập trung vào giáo dục và các quy định giao thông.

Các kỹ sư đã bắt đầu sử dụng các nguyên tắc thiết kế đã được chứng minh thành công trong việc bảo vệ người ngồi trong xe để phát triển ý tưởng làm giảm mức độ chấn thương cho người đi bộ trong trường hợp xảy ra va chạm. Những thiết kế trải qua nhiều thập kỷ liên quan đến bộ giảm xóc, mui xe, kính chắn gió và trụ đỡ được tái cấu tạo để hấp thu năng lượng nhẹ nhàng hơn mà không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn về cấu trúc.

Thiết kế an toàn cho người đi bộ đem đến hy vọng sẽ hạn chế con số 5000 người thiệt mạng, 7000 người bị thương mỗi năm tại Mỹ.

Không giống như những chi tiết kỹ thuật khó nhận biết khác, thiết kế an toàn cho người đi bộ trực tiếp tác động đến kiểu dáng bên ngoài của một chiếc xe và đôi khi còn kết hợp với các tính năng khác.

Mui xe thấp và dốc xuống

Ví dụ, nhiều mẫu xe hiện nay thường có mui trước thấp để giúp người lái quan sát đường nhanh hơn và có thể phát huy tác dụng trong tình huống va chạm với người đi bộ. Trong trường hợp này, cơ thể người được đẩy lên trên thay vì lao ngay vào đầu xe và bị cán phải. Những mẫu xe pickup và SUV thường đạt hiệu quả kém trong những thử nghiệm an toàn kiểu này bởi thiết kế bộ cản trước lớn và mui trước cao gây ra ảnh hưởng lớn tới người đi bộ.

Xe hơi ngày nay được thiết kế khí động học để gia tăng hiệu suất sử dụng với tiêu chí quãng đường dài hơn, nhiên liệu ít hơn. Hậu quả của việc tiết kiệm nhiên liệu này là không gian tốt thiểu giữa lớp vỏ bên ngoài và thành phần cấu trúc cứng bên trong.

Chấn thương vùng đầu nghiêm trọng hoặc tử vong thường xảy ra bởi ngay dưới mui xe là một động cơ cứng và nặng. Sự cải tiến trong thiết kế dựa trên nguyên tắc giảm nhẹ tác động cơ học của mui xe lên cơ thể người. Bằng cách gia tăng khoảng cách giữa mui xe bằng nhựa và động cơ bên trong, khoảng không gian trống giống như một tấm đệm khí giúp giảm nhẹ tác động lên phần đầu khi tai nạn xảy ra. Thử nghiệm với hình nộm mô phỏng diễn biến hoạt động của chân, ngực và bả vai khi xảy ra vụ va chạm với một chiếc xe hơi. Sử dụng thông tin phản hồi từ thử nghiệm này, năm 2001 Honda Civic và cả nhiều mẫu xe Volvo được thiết kế với khoảng cách 7.6 cm giữa mui xe và khối động cơ.

Thiết kế những chi tiết ngoại thất dễ phá hỏng


Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chính điều này giúp giữ mạng người đi đường nếu tai nạn xảy ra. Loại bỏ chi tiết trang trí trên mui xe có thể vướng vào người đi qua, gương chiếu hậu tự động gấp gọn lại về phía cánh cửa và thậm chí cả tay nắm cũng được thiết kế “âm” trên cánh cửa đều nhằm bảo vệ người khác khi có va chạm.

Một thách thức khác trong nghiên cứu về an toàn cho người đi bộ, đó là những chi tiết ngoại thất như cần gạt nước phải dễ dàng bị phá hỏng dưới tác động va chạm đột ngột để giảm tính sát thương nhưng vẫn đảm bảo khả năng hoạt động tốt.

Thiết bị cảnh báo va chạm và hệ thống an toàn

Rõ ràng, đó là một nhiệm vụ khó khăn khi tạo ra một chiếc xe an toàn cho người ngồi trong lẫn người bên ngoài. Phát triển những thiết bị công nghệ dựa trên tiêu chí cảnh báo cho người điều khiển trong khoang nội thất là một điều cần thiết nhưng những thiết bị này chỉ có tác dụng ngăn ngừa tai nạn. Vẫn cần có giải pháp cần thiết để giảm thiểu mức độ nghiêm trong khi va chạm đột ngột xảy ra. Những thử nghiệm như túi khí, đệm cao su hoặc bộ cản va nhẹ nhàng hơn đều là sự khởi đầu cho một công nghệ an toàn toàn diện.