Hiện tất cả các hãng sản xuất xe hơi lớn trên thế giới đều đang nghiên cứu và phát triển các công nghệ “giao tiếp” giữa xe hơi với nhau gọi là “vehicle-to-vehicle” hay V2V, ở nhiều cấp độ tự can thiệp khác nhau. General Motors (GM) là hãng đi đầu trong lĩnh vực này. Năm 2005, GM đã giới thiệu V2V dựa trên Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cùng mạng không dây cục bộ LAN (local area network) và hiện tại hãng vẫn đang thử nghiệm hệ thống này.

V2V của GM là sự kết hợp giữa hai công nghệ OnStar và Stabilitrak tích hợp với một ăngten đơn giản cùng chip máy tính để xác định vị trí cũng như chuyển động của những chiếc xe thuộc hệ thống trong bán kính 500m. Các giao tiếp được chuyển tải thông qua một hệ thống không dây WiFi do Uỷ ban Thông tin Liên bang Mỹ cấp phép. Mỗi xe sẽ đóng vai trò như một “máy thu - phát thông tin”, cung cấp số liệu cho các xe chạy trong vòng 500m biết về tình trạng luồng giao thông, có xe dừng ở phía trước hay không, điều kiện thời tiết và đường sá hay sự xuất hiện của xe cứu hộ và khẩn cấp.

V2V giúp phát hiện những chiếc xe xuất hiện ở nút giao thông hay đi vào các điểm mù (khu vực bên sườn và phía sau xe mà người điều khiển không nhìn thấy) hoặc thông báo về một chiếc xe chạy trước bất ngờ phanh lại. Tóm lại là tất cả những nguy cơ có thể dẫn tới tại nạn để lái xe có biện pháp xử lý. V2V còn có khả năng “giao tiếp” với hạ tầng cơ sở trong khu vực (như đèn tín hiệu giao thông) để vạch ra một lộ trình nhanh nhất, tránh tắc nghẽn, qua đó giảm tối đa thời gian đi lại. Trong trường hợp xấu nhất, khi xe gặp nạn, nó sẽ tự động báo cứu hộ.
 
img
Cảnh báo điểm mù trên gương bên

V2V không sử dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số (digital mapping) hay dịch vụ nhận và gửi dữ liệu của nhà cung cấp dó đó nó tiết kiệm chi phí sử dụng. Nhiều người cho rằng một khi được ứng dụng rộng rãi, V2V sẽ đặt dấu chấm hết cho hệ thống dịch vụ thông tin có đăng ký nổi tiếng OnStar của GM tại Mỹ hiện nay. Giáo sư Horst Wieker thuộc Đại học Saarbrucken, một trong những đối tác của GM tham gia dự án còn cho biết: hệ thống LAN không dây giúp thông tin trao đổi giữa các xe diễn ra cực nhanh, chỉ trong vài phần nghìn giây.

Khi có nguy cơ tai nạn, tín hiệu cảnh báo sẽ được kích hoạt. Thông thường chúng sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng hoặc màu đỏ (khi nguy cơ tai nạn rất gần) đồng thời kích hoạt thiết bị rung dưới ghế lái. Qua màn hình, lái xe sẽ lường trước được các nguy cơ tại nạn như một chiếc xe dừng trước mặt, đoạn đường đang thi công, hay xe chạy trước phanh khẩn cấp… đồng thời hệ thống sẽ khuyến cáo mức tốc độ an toàn bằng các ký hiệu dễ nhận biết. Màn hình còn có thể hiển thị hướng chuyển động của xe ưu tiên khẩn cấp tham gia giao thông, giúp lái xe không bị bối rối khi nghe thấy còi ủ mà chưa xác định được phương hướng.
 
img
Đèn báo trên vô lăng

Hệ thống V2V không quá đắt. Priyantha Mudalige, kỹ sư nghiên cứu cấp cao của GM tham gia dự án cho biết ý hiện hệ thống hành trình chủ động, hệ thống giám sát điểm mù và nhiều hệ thống ngăn ngừa tai nạn trên thị trường khác phải cần tới các rađa, cảm biến âm thanh, cảm biến hồng ngoại hoặc camera trị giá tới 5.000 USD. Trong khi V2V hoàn toàn có thể thay thế tất cả các hệ thống này với một phần mềm, một ăngten GPS , chip điện tử và radio hai chiều có tổng chi phí chỉ vài trăm USD.

Ưu điểm nữa của V2V là hệ thống này không tạo cho lái xe cảm giác gò bó, bị “kiểm soát” gắt gao do nó chỉ đóng vai trò cảnh báo trong trường hợp có thể xảy ra tai nạn. Hệ thống cũng không trực tiếp giảm vận tốc xe mà chỉ đưa ra lời cảnh báo, như khuyến cáo hạn chế tốc độ hay kích hoạt tín hiệu lưu ý còn để lái xe tự xử lý. Điều này hoàn toàn khác so với các hệ thống an toàn chủ động như Pre-Safe của Mercedes-Benz, VDIM (Vehicle Dynamics Integrated Management) của Toyota/Lexus và nhiều hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng có can thiệp trực tiếp khác và lái xe có thể tự xử lý tình huống trên đường.

Khó khăn chính trong việc ứng dụng V2V là qui mô của công nghệ để đạt được hiệu quả về an toàn. Chỉ cần từ 2-3% số xe sử dụng công nghệ này tham gia giao thông là có thể giảm đáng kể tình trạng tắc đường, tuy nhiên để đạt tới qui mô an toàn thì tỷ lệ cần thiết phải từ 80-85%.