Đã có nhiều bài báo đề cập tới lốp và các vấn đề về lốp. Thị trường cũng có vô vàn loại lốp khác nhau, song tất cả lốp xe hơi đều có chung đặc điểm là chuyển động trên một lớp đệm không khí. Phân tích thiết kế của một chiếc lốp ta thấy mặc dù số lượng tanh cũng như số lớp vải bố nằm bên trong talông có một số ảnh hưởng nhất định, song độ dầy thành lốp mới là yếu tố quyết định tác động tới sự êm ái của xe hơi.

Lốp xuyên tâm (radical) truyền thống thường có thành lốp rất mềm. Hai nhân tố tác động đến độ cứng của thành lốp là số lớp vải bố và độ cao của thành lốp. Các ký hiệu ghi trên thành lốp có thể cho chúng ta biết lốp có bao nhiêu lớp bố. Tuy nhiên lốp ký hiệu 4 lớp bố không có nghĩa là kết cấu của nó thực sự gồm 4 lớp bố. Con số này chỉ cho thấy thành lốp có độ bền tương đương với cấu trúc 4 lớp bố. Hầu hết các xe con ngày nay sử dụng lốp có từ 2-4 lớp bố, trong khi các dòng xe SUV hoặc bán tải cỡ lớn sử dụng lốp có từ 6 lớp bố trở lên. Càng nhiều lớp bố, thành lốp càng cứng và hệ quả là độ êm ái giảm đi. Tuy nhiên ưu điểm của lốp nhiều lớp bố là có thể chịu được tải trọng lớn.

Tỷ lệ giữa thành và chiều ngang của lốp là nhân tố thứ hai tác động tới độ êm ái. Lốp thành cao, thường có tỷ lệ 70% (thể hiện qua con số 70 trong ký hiệu P215/70R-15) có thể hóa giải đáng kể những rung lắc khi xe đi vào đường xấu. Lốp thành thấp (tỷ lệ chỉ 45% như lốp xe thể thao) ít có khả năng hóa giải các cú xóc hơn tuy nhiên nó lại làm tăng cảm nhận của vôlăng vì ta-lông lốp tác động nhanh hơn tới thành lốp. Các hệ thống treo hiện đại ngày nay giúp cải thiện đáng kể độ êm ái khi xe chuyển động song lốp xe đua vẫn cho cảm nhận xóc hơn trong cabin.

Áp suất phù hợp là một nhân tố quan trọng khác giúp tăng tuổi thọ của lốp, tạo cảm giác vận hành êm ái và đảm bảo an toàn. Lốp non hơi thường khiến thành lốp phải uốn cong liên tục. Tuy có cảm giác như xe đang chạy êm, song những chuyển động liên tục này làm cho lốp nóng lên và nhiệt độ tăng cao có thể khiến cho lốp hỏng. Nên tìm trong sách hướng dẫn sử dụng hoặc nhãn gắn ở lốp xem mức áp suất nào là phù hợp.

Lốp bơm căng quá chỉ phù hợp với một số trường hợp nhất định. Nếu bạn có thói quen lái xe nhanh, hoặc chở nặng, nên tăng thêm áp suất cho lốp. Những cú ngoặt gấp hoặc khi đua xe đều cần đến lốp căng hơn để giữ cho thành lốp cứng chắc và ngăn không cho bánh xe văng ra khỏi vành. Tuy nhiên nhưng đừng bao giờ để áp suất lốp vượt quá mức áp suất tối đa cho phép ghi trên thành lốp.

Hầu hết xe con hiện nay có áp suất lốp tối đa nằm trong khoảng từ 32 – 35 psi (pao trên một inch vuông, tương đương 2,2kg/cm2 – 2,4kg/cm2), tuy nhiên các dòng xe bán tải cỡ lớn có áp suất lốp tối đa lên tới 45, 60, hoặc thậm chí là 75 psi (3,1; 4,2 và 5,2kg/cm2). Để xe chạy ổn định và an toàn, lời khuyên của chuyển gia là nên kiển tra áp suất lốp hàng tháng.

Nhận biết các ký hiệu trên lốp

Tất cả các thông tin đều được in trên thành lốp. Ví dụ với loại lốp có ký hiệu P205/55R16, chữ P cho biết đây là lốp dành cho xe con, còn LT có nghĩa là lốp dành cho xe bán tải hạng nhẹ (Light Truck) có thể chịu được tải trọng lớn song không êm ái. Số tiếp theo 205 chỉ khổ rộng của lốp xe; số 55 sau gạch nghiêng cho biết chiều cao thành lốp bằng 55% khổ rộng lốp. Chữ R thể hiện đây là loại lốp xuyên tâm (Radial) và chữ cái cuối cùng dùng để chỉ đường kính lốp tính theo đơn vị inch.

Ngoài thông số về kích thước, bạn còn có thể nhìn thấy một nhóm chữ số và chữ cái như 89 H. Các chữ số cho biết khả năng tải trọng của lốp còn chữ cái thể hiện vận tốc an toàn tối đa của loại lốp này khi hoạt động. Ví dụ chữ H nghĩa là lốp có thể hoạt động an toàn tới mức vận tốc tới 210 km/h; chữ T tới 190 km/h; và chữ S tới 180 km/h./.