Tại các vùng nông thôn, cứ sau mùa gặt, người dân lại bắt đầu phơi rơm rạ ra mặt đường. Không chỉ gây vướng víu trong quá trình đi lại, rơm rạ còn là nguyên nhân của những vụ cháy ôtô "oan uổng". Chẳng thế mà trong thời gian gần đây, thường xuyên có những vụ cháy xe ôtô vì rơm rạ được đưa lên mặt báo.

Đầu tiên là một vụ cháy chiếc Kia xảy ra vào khoảng 13h30 phút ngày 22/6/2011. Vào thời điểm trên, chiếc ôtô Kia mang BKS 19A-001.35 do anh Lý Trung Dũng điều khiển đang lưu thông trên đoạn đường thuộc khu 1, phường Vân Phú, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì bỗng dưng bốc cháy dữ dội.
 
img
Chiếc Kia của anh Dũng bị cháy đen (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Anh Dũng cho biết, do trời nắng to nên anh đã nổ máy khoảng 10 phút trước khi cho xe chạy. Sau khi đi được khoảng 200 mét, anh Dũng ngửi thấy mùi khét nên đã xuống kiểm tra và phát hiện khói bốc ra từ xe. Do xe bốc cháy quá nhanh và lửa bùng to nên anh Dũng không thể dập tắt được.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ống pô của xe quá nóng, cọ xát với rơm rạ mà người dân phơi trên đường nên sinh nhiệt, đánh lửa và dẫn đến vụ cháy. Ước tính, thiệt hại của vụ cháy lên đến gần 700 triệu đồng.
 
img
Chiếc xe bị chạy tại một huyện của Hưng Yên (Ảnh: crocodile - Otofun).

Đến đầu tháng 7 vừa qua, lại tiếp tục có một vụ cháy ôtô khác liên quan đến rơm rạ. Lần này, vụ cháy xảy ra ở một huyện của Hưng Yên.

Vậy, mỗi khi đi trên những đoạn đường phơi đầy rơm rạ, nhất là nơi có lượng rơm dày và khô, người lái cần phải chú ý và thường xuyên kiểm tra xe. Nếu có thể, hãy tránh xa những đoạn đường phủ rơm rạ. Trong trường hợp không thể tránh, người lái nên tắt điều hòa, hạ kính để nghe ngóng tình hình khi đi qua đoạn đường có phơi rơm. Một số tài xế không biết xe của mình bốc khói, khi người dân đi đường nhắc nhở lại không nghe thấy nên đã để xe bị cháy đáng tiếc. 
 
Sau khi đi qua đoạn đường phơi rơm rạ, người lái nên dừng xe để xuống kiểm tra xem rơm rạ có quấn vào gầm xe và gần ống xả hay không. Nếu có, người lái cần gỡ bỏ hết rơm rạ để tránh nguy cơ cháy xe như trên.
 
Tổng hợp