Đối với những người yêu những cung đường và thường xuyên đi du lịch thì việc khám phá vào chinh phục những con đèo luôn là đam mê bất tận. Thế nhưng, lái xe thế nào để an toàn khi đổ đèo thì không phải ai cũng có thể biết - đặc biệt là với xe tay ga.

img

Đối với dòng xe số hoặc xe côn tay, do có khả năng hãm của hộp số, người lái xe chỉ cần cài số thấp và điều phối côn - phanh - ga hợp lý để kiểm soát tốc độ của xe. Thế nhưng, với những xe tay ga sử dụng hộp số vô cấp thì việc kiểm soát tốc độ khi đổ đèo hoàn toàn khác hẳn.

Nhiều lái xe khi đổ đèo bằng xe tay ga đã tắt máy đi để xe trôi theo quán tính với suy nghĩ "tiết kiệm xăng" và sử dụng "phanh để kiểm soát tốc độ" - đây là một quan niệm rất sai lầm, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người ngồi trên xe. Bởi vì khi xe lao xuống dốc, người lái bóp phanh liên tục sẽ khiến phanh xe bị nóng, má phanh bị bào mòn nhanh chóng và có thể dẫn tới mất tác dụng của phanh. Ngoài ra, khi xe đang lao nhanh theo quán tính xuống dốc người lái sẽ dễ bị mất kiểm soát, hoặc bóp phanh gấp ở khúc cua có thể dễ dàng khiến chiếc xe lật nhào hoặc lao xuống vực.

img

Do đó, để có thể lái xe tay ga đổ đèo an toàn, các lái xe nên nắm chắc kỹ năng "kiểm soát tốc độ xe bằng động cơ" hay còn gọi là kỹ thuật "phanh bằng động cơ". Kỹ thuật này về cơ bản yêu cầu lái xe luôn kiểm soát tốc độ của xe ở mức khoảng từ 15km/h-20k/h, sau khi duy trì được tốc độ này thì mớm nhẹ tay ga và người lái sẽ cảm nhận được độ ghì của động cơ khi bộ ly hợp (côn) của xe bám. Ngay lúc này, các bạn thả tay ga ra và sẽ thấy chiếc xe đổ đèo với độ ghì từ động cơ do bộ ly hợp của xe đã bám và tốc độ của xe sẽ được duy trì ổn định trên suốt quãng đường đổ đèo. Tuy nhiên, khi gặp những khúc cua gắt thì các bạn có thể sẽ vẫn phải sử dụng phanh để giảm xuống tốc độ phù hợp nhưng ngay sau khi thoát cua thì có thể tiếp tục sử dụng kỹ thuật "phanh bằng động cơ" này để đổ đèo.

Chúc các bạn lái xe an toàn!