Khi hệ thống phun xăng điện tử lần đầu tiên xuất hiện trên xe hơi mọi người đều lo ngại rằng một ngày "đẹp trời" nào đó công nghệ cao sẽ khiến những người đi xe hơi trở thành những khách bộ hành bất đắc dĩ. Thật vậy, đối với các động cơ xe hơi đời mới chỉ cần một vài sai sót nhỏ trong hệ thống là chiếc xe sẽ không thể hoạt động. Nhưng may mắn thay, phần lớn các xe bị lỗi hệ thống điện tử vẫn có thể cho phép chiếc xe "lê lết" trở về nhà. Một số xe còn có cả chức năng cho phép động cơ vận hành mà không có nước làm mát bằng cách lần lượt tắt từng xi lanh theo một chu trình nhất định để động cơ không bị quá nóng!

Phần lớn người dùng xe hiện nay không còn khái niệm chỉnh chế hòa khí hay má vít. Công nghệ tiên tiến hiện nay cho phép động cơ vận hành trong nhiều năm mà không cần phải chỉnh sửa. Dường như chúng ta quên mất rằng chính nhờ hệ thống điện tử trên xe mà khả năng xe vận hành không hề thay đổi trong cả mùa Đông, mùa Hè hay đơn giản hơn là xe "ăn" ít nhiên liệu hơn các loại xe trước đây rất nhiều.

Hộp số với mạch điều khiển điện tử để tiết kiệm dù chỉ vài phần trăm giây trong quá trình chuyển số. Máy tính giúp cho việc chuyển số nhẹ nhàng êm ái, kéo dài tuổi thọ hộp số và thậm chí còn có thể tự điều chỉnh cơ chế vận hành cho phù hợp với phong cách lái của bạn. Rất nhiều xe hiện nay sử dụng hộp số tự động 5 tốc độ và hộp số 6 tốc độ cũng ngày một phổ biến. Mercedes Benz đã có hộp số tự động 7 tốc độ giúp cho khả năng tăng tốc của xe từ 0-100 km/h nhanh hơn 1/3 giây so với xe cùng loại sử dụng hộp số 5 tốc độ, hơn nữa lại rất tiết kiệm nhiên liệu. Thậm chí mới đây Lexus còn giới thiệu hộp số tự động 8 tốc độ!

Tính an toàn trên xe đời mới cũng được cải thiện rất nhiều. Cảm biến điện tử kích hoạt túi khí (airbag) trong trường xảy ra tai nạn đâm xe. Các loại túi khí kích hoạt 2 giai đoạn có thể được kích hoạt chỉ với lực bung nhỏ nếu như không cần thiết phải sử dụng tối đa lực bung. Thậm chí với các xe của Cadillac thì hệ thống túi khí chỉ bung ra một phần tùy theo điều kiện va chạm (va chạm mạnh sẽ bung toàn bộ).

Hệ thống phanh chống bó cứng (ABS) và cân bằng xe điện tử sẽ trợ giúp người lái trong điều kiện đường trơn ướt. Trên nhiều xe còn có công nghệ hỗ trợ phanh gấp, hệ thống này sẽ kiểm soát lực người lái đạp lên bàn đạp phanh. Khi lực phanh tác động chưa đủ hệ thống sẽ tự động bổ sung nếu cần thiết. Người lái có thể phản ứng nhanh khi đạp phanh nhưng sẽ mất nhiều thời gian để tính toán lực phanh cần thiết trong các trường hợp nguy cấp. Trong trường hợp này, máy tính sẽ nhanh chóng đưa ra lực phanh hợp lý để có thể dừng xe ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Một số mẫu xe của Toyota, Lexus, Infiniti, Cadillac và Jaguar còn được trang bị hệ thống rađa, hệ thống này khi được kích hoạt sẽ tự động duy trì khoảng cách ổn định với xe phía trước và thậm chí còn tự động phanh để cảnh báo người lái nếu như rađa phát hiện ra vật cản xuất hiện đột ngột.

Đôi khi chúng ta còn không thấy được sự hiện hữu của công nghệ trên xe hơi, ví như công nghệ "Thiết kế với trợ giúp của máy tính" (CAD) được sử dụng để thử nghiệm các trường hợp đâm xe ảo. Chính nhờ công nghệ này mà việc thay đổi nhanh chóng thiết kế hoặc vật liệu chế tạo trở nên dễ dàng hơn. Các xe hơi hiện nay đều có thiết kế các vùng hấp thụ xung lực. Khi xảy ra đâm xe những vùng này sẽ bị biến dạng (như một gối đỡ giúp giảm tốc từ từ) trong khi khoang hành khách được giữ nguyên nhằm bảo vệ tối đa người dùng.

Qua năm tháng công nghệ đã cải thiện rất nhiều độ bền cũng như tính an toàn của xe. Tuy nhiên, có những thứ mà công nghệ không thể thay đổi được. Động cơ vẫn cần dầu bôi trơn, lọc dầu, lọc xăng vẫn cứ bẩn, ắc quy cần bổ sung nước và lốp thì vẫn cần hơi. Chính vì vậy hãy quan tâm hơn nữa đến chiếc xe của bạn, kẻo khi "trái gió trở trời" chiếc xe yêu của bạn "lăn ra ốm" thì quả là đáng tiếc vì bạn đã từng đọc bài viết này!

Kar
Theo CanadianDriver