Chưa hết cấp 2, chưa qua trường lớp nào về động cơ máy móc nhưng người thợ ấy đã tự mày mò chế tạo ra sản phẩm “bắt” xe gắn máy chạy ít hao xăng. Lúc tung ra thị trường gặp ngay thời xăng dầu tăng giá, sản phẩm đã thành mặt hàng “best sell”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Đặng Hoàng Sơn (ngụ TP Vĩnh Long, Vĩnh Long) bỏ ngang việc học lớp 8 để đi học nghề sửa xe Honda. Vài năm sau khi đã thạo nghề, Sơn tự mở tiệm sửa xe nhỏ ở nội ô Vĩnh Long kiếm sống.
 
Rồi bao năm trời sửa xe thấy nhiều khách hàng than sao xe chạy tốn xăng quá, đặc biệt là xe tay ga, đã dần dà nảy sinh trong Sơn ý định tạo cái gì đó lắp đặt bên ngoài xe cho xe ít hao xăng nhưng không làm ảnh hưởng tới động cơ xe.

Thợ sửa xe "vượt mặt" nhà sản xuất

Nghề sửa xe đã mách cho Sơn biết hao xăng là do xăng xuống nhiều hoặc dư xăng trong bình xăng con khiến máy không đốt cháy hoàn toàn. Thế thì phải làm sao cho động cơ đốt cháy nhanh, xăng xuống đều… Nghĩ là thế nhưng khi bắt tay vào làm thì không hề đơn giản.
 
Bao tháng trời ròng rã nhưng chẳng chút thành công, xe làm xong vẫn ăn xăng như cũ, hoặc chỉ đỡ mấy kílômét đầu, sau đó lại “ngốn” xăng gấp đôi. Ngày đêm tư lự, không biết còn thiếu chỗ nào chưa ổn mà xe cứ trầy trật hoài, đã khiến Sơn phờ phạc. Gia đình có bao nhiêu chiếc xe gắn máy cũng bị Sơn đem ra thử nghiệm. Trật vuột không biết bao nhiêu lần.
 
Nản, nhưng Sơn không bỏ cuộc. Mày mò hết ngày này qua tháng nọ, mãi tới tháng 5.2005 Sơn chế được bộ thiết bị giúp xe tay ga tiết kiệm được một lượng xăng tương đối, 1 lít xăng chạy hơn 45km so với bình thường chỉ 35km. Tuy nhiên, chỉ có mấy người thân quen mới dám lắp đặt, còn khách lạ ai cũng ngại, cho rằng “thằng thợ bị hâm, tay ngang mà đòi phá nhà sản xuất”.

img

Rồi trào lưu xe rẻ tiền ào ạt tràn vào Việt Nam. Vì chất lượng không cao nên tiệm Sơn lúc nào cũng có khách tới chỉnh sửa bình xăng, kim gió. Sơn thầm nghĩ, có lẽ đây là cơ hội. Anh lại mang sản phẩm của mình lắp đặt cho những xe có nhu cầu, ban đầu là xe số. Nhờ đã trải qua kinh nghiệm nên lần này việc áp dụng thành thạo hơn. Chiếc xe khách đầu tiên được lắp đặt thiết bị là một chiếc xe Dream Nhật, rất cũ nhưng phải đến 70km mới hết 1 lít xăng.

Thành công hơn cả sự mong đợi, Sơn tiếp tục gắn cho các loại xe khác. Đến năm 2007 Sơn mạnh dạn đưa ra thị trường sản phẩm có tên gọi là “Bộ tiết kiệm nhiên liệu động cơ xe gắn máy”. Theo Sơn, bộ tiết kiệm có tính nổi trội nhờ một hệ thống chỉnh gió tân tiến, giúp nhiên liệu đốt cháy gần như hoàn toàn, giảm lượng khí thải, tiết kiệm nhiên liệu từ 20 – 30%, tăng công suất động cơ, giảm tiếng ồn và kéo dài tuổi thọ động cơ. Biết chuyện, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi. Người ta đặt vấn đề “nhà sản xuất đã tính đâu vào đó, dễ gì một thợ sửa xe tầm thường vượt mặt kỹ sư”.

Quốc tế công nhận

Thời cơ rồi cũng đến khi xăng tăng giá. Cánh xe ôm, người lao động, nhà nông là đối tượng đầu tiên tìm đến cửa hàng của Sơn, rất đông. Tiệm bán và sửa xe Lâm Sơn trên đường Nguyễn Huệ, phường 8, thị xã Vĩnh Long quá nhộn nhịp. Từ Vĩnh Long, Sơn mở rộng đại lý cung cấp sản phẩm tới các tỉnh thành khác.
 
Bộ phận tiết kiệm nhiên liệu Sơn bán với giá 150.000đ/cái cho xe số và 180.000đ/cái xe tay ga, bảo hành trong vòng hai năm. Sau khi tung ra sản phẩm, Sơn đã lập doanh nghiệp và sản phẩm tiết kiệm xăng đều mang nhãn hiệu Hoàng Sơn.

Ngày 31.12.2007, cục Sở hữu trí tuệ, đã cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho “Bộ tiết kiệm nhiên liệu động cơ xe gắn máy” do Sơn sáng chế. Năm 2008 ông Wieger D. Otter, giám sát cao cấp về chất lượng thuộc tổ chức Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng quốc tế – Vương quốc Anh, qua khảo sát người tiêu dùng đã cấp giấy chứng nhận “Nhà cung cấp đáng tin cậy” cho doanh nghiệp Hoàng Sơn.

Chưa dừng lại ở đó, Sơn cho biết vừa làm hai sản phẩm mới, trong đó có bộ mang tên “Hệ thống tiết kiệm xăng xe tự động” đưa ra thị trường. Sơn cho biết nếu như bộ tiết kiệm cũ phải nhờ thợ sửa xe lắp đặt và điều chỉnh thì hệ thống mới này ai cũng lắp đặt được. Khi xe nổ máy nó sẽ tự động điều chỉnh lượng xăng. Sản phẩm mới cho xe số giá thành 170.000đ/bộ, xe tay ga giá 200.000đ/bộ. Ngày 4.11.2008, Sơn đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm độc quyền kiểu dáng công nghiệp với cục Sở hữu trí tuệ.
 
Theo SGTT