"Cẩn tắc vô áy náy"

Trước tình trạng những vụ cháy nổ xe máy liên tiếp xảy ra, hầu hết những người thường xuyên sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại đều thấy bất an. Chính vì thế, chẳng có gì là khó hiểu khi người dân thay nhau đổ xô mang xe đến các cửa hàng bảo dưỡng dù thời gian quy định bảo dưỡng xe vẫn chưa kết thúc.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa có bất kỳ kết luận thỏa đáng cũng như những khuyến cáo cho người sử dụng người tiêu dùng dường như sống trên "đống lửa" với những bất an về sự an toàn. Chính vì thế, cách mà học cảm thấy yên tâm nhất là mang xe đi bảo dưỡng.

Chị Trang, Tôn Thất Tùng, Hà Nội cho biết:" Mình chẳng biết gì về xe máy, thấy xe cũng chạy bình thường chẳng có gì bất ổn. Tuy nhiên, nhiều vụ xe bỗng dưng bốc cháy nên cứ đem xe ra cửa hãng kiểm tra cho yên tâm".
 
img
Xe Air Blade được mang đi bảo dưỡng khá nhiều

Anh Quang Trung, nhân viên bán hàng tại siêu thị BigC chia sẻ với chúng tôi: " Xe mình cũng được bảo hành thường xuyên và đúng lịch nhưng đợt này nhiều vụ xe cháy nổ khiến mình cũng không yên tâm cho lắm. Thôi thì cứ mang đi bảo dưỡng cho đỡ áy náy."

Chắc chắn rằng không chỉ riêng anh Trung, chị Trang mà còn rất nhiều người tiêu dùng có suy nghĩ tương tự. Đây có thể là một trong những lý do khiến cho lượng khách tại các cửa hàng bảo dưỡng xe máy tăng đột biến dù chưa sát tết.
 
Ông Lê Mạnh (78 Phương Mai, Hà Nội), một khách hàng mang xe đến bảo dưỡng nói:"Thôi thì cẩn tắc vô áy náy, chẳng biết xe có bị sao không nhưng cứ mang ra tiệm. Tự dưng tốn kém nhưng được cái an tâm."
 
Khi dịch vụ bảo dưỡng "làm kiêu"

Dạo quanh một vòng các cửa hàng bảo dưỡng, từ tư nhân đến chính hãng thì dường như số lượng khách đông lên bất thường. Một điều đặc biệt, không chỉ các cửa hàng bảo dưỡng của Honda mà cửa hàng bão dưỡng chính hãng của SYM hay Yamaha cũng ăn theo cơn sốt bão dưỡng này.

Đến với Việt Nhật Motor, 180 Xã Đàn, quận Đống Đa, một trong những trung tâm bảo dưỡng lớn tại Hà Nội vào cuối giờ chiều, chúng tôi nhận thấy số lượng khách ở đây đông gấp đôi so với thông thường. Một nhân viên phụ trách tại đây đã từ chối không nhận thêm khách vì quá đông. Chia sẻ với chúng tôi, anh nhân viên nói: " Anh chị thông cảm, xe bọn em nhận đã quá tải rồi, làm hết đống này chắc cũng hết giờ. Mai anh chị mang ra sớm còn kịp".
 
Khi được hỏi lý do tại sao cửa hàng đông khách thì nhân viên ở đây cho biết: "Ai cũng lo xe cháy xe nổ nên đều lũ lượt mang xe tới cửa hàng. Có nhiều khách hàng cẩn thận quá mức, cứ bắt chúng em phải thay này thay nọ cho nó mới mà thực chất không cần thiết. Xe không có vấn đề gì cũng bắt nhân viên phải xem tái, xem hồi."
 
img
Cửa hàng bảo dưỡng xe Honda đắt khách
 
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với trung tâm bảo hành xe máy Xuân Cầu, Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, một nhân viên bán hàng cho hay:" Đây là thời điểm khách hàng đến đông nhất trong năm của chúng em mặc dù thời gian đến tết còn hơn 1 tháng. Sau mấy vụ xe máy cháy nổ chúng em làm còn không kịp thở."
 
Chị Nguyễn Thanh Lan, giáo viên mầm non, một khách hàng bảo dưỡng xe tại đây than phiền với chúng tôi:" Cửa hành đông khách quá mà lại ít nhân viên. Mình đợi ở đây gần 2 tiếng rồi mà không đến lượt. Về thì không dám vì chẳng biết lúc nào bảo dưỡng được".
 
Tại Head Honda Hồng Hạnh (252 Phố Huế, Hà Nội), một nhân viên kinh doanh tại đây đã chia sẻ với chúng tôi: " Những ngày này lượng khách đến cửa hàng chúng em tăng lên một cách chóng mặt đến mức còn không kịp thời gian sửa chữa. Một số nhân viên bán hàng đã phải chuyển sang hỗ trợ bộ phận bảo dưỡng như tư vấn cho khách hàng về các dịch vụ chăm sóc."

Nhân viên này cũng cho biết: " Một ngày bên em có khoảng tầm hơn 100 khách đến bảo dưỡng, đó là chưa kể ngày cuối tuần số lượng khách có thể tăng lên gấp rưỡi. Thường thì số lượng thợ sửa chữa trong cửa hàng sẽ không đáp ứng đủ".

 
img
Các cửa hàng bảo dưỡng của Yamaha cũng nhộp nhịp không kém

Được mùa ăn nên làm ra, các cửa hàng bảo dưỡng thay nhau làm giá người tiêu dùng. Lợi dụng điều này, một số cửa hàng bảo dưỡng được dịp lên mặt với khách hàng bằng cách hét giá lên trời và "đẻ thêm bệnh" cho xe. Ngày trước trung bình giá bảo dưỡng cho một chiếc xe số là 70-90.000 đồng và tay ga là 100-120.000 đồng thì nay tăng lên gấp rưỡi. Không những thế, những chiếc xe còn được gắn thêm một số bệnh "trời ơi đất hỡi" buộc chủ nhân phải muối mặt chi tiền ra với hi vọng được sửa chữa.

Đặc biệt tại các trạm bảo dưỡng tư nhân thì giá cả lại được mùa cao vút kèm theo phụ tùng bị thay "dỏm", khiến cho nhiều khách hàng đi bảo dưỡng về dở khóc dở cười. Một số khách hàng không có thời gian xếp hàng thường lựa chọn các cửa hàng bảo dưỡng tư nhân để được bảo dưỡng nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng bảo dưỡng tại các cửa hàng bảo dưỡng tư nhân lại là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng.

Tại một số trạm bảo dưỡng tư nhân, thợ sửa xe không có hết tất cả các dụng cụ chính hãng sản xuất khi thay thế các phụ tùng nghi vấn. Tuy nhiên, nếu không phải hàng "xịn", hàng chính hãng thì vô hình chung bạn đang tự giết chết chính chiếc xe của mình.
 
Các dịch vụ chống cháy lên ngôi
 
Không chỉ dừng lại ở việc bảo dưỡng, một số dịch vụ khác cũng ăn theo sự kiện "bà hỏa" ghé thăm Honda. Hiện tại có một số dịch vụ như "dịch vụ chống xe tự động cháy". Dịch vụ này đang rất đắt khách do nắm bắt được tâm lý của khách hàng đề phòng các vụ cháy nổ.
 
Đứng trên quan điểm của những thợ sửa chữa xe lâu năm mà đi tìm nguyên nhân cho các vụ xe cháy nổ, một số cửa hàng bảo dưỡng xe máy đã tung ra dịch vụ "chống xe tự động cháy" thu hút rất nhiều người tiêu dùng.
 
img
 
Dịch vụ "chống xe tự động cháy" chỉ đơn thuần là việc sử dụng băng dính cách nhiệt quấn dây điện và dây dẫn xăng sau đó quét một lớp hồ có mùi kỵ với động vật gặm nhấm như chuột. Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch vụ này đang trở thành cơn sốt. Được biết, chi phí dành cho việc sử dụng dịch vụ"chống xe tự động cháy" nằm ở khoảng 150-300.000 đồng tùy đối tượng xe.

Hãy là người tiêu dùng thông minh
 
Quả thật không phải vô lý khi sau các vụ việc xe Honda cháy nổ liên tiếp xảy ra thì các cửa hàng bảo dưỡng của Honda trở nên "sốt xình xịch" vì lượng khách hàng đến yêu cầu bảo dưỡng trở nên đông đúc lạ thường.
 
Xe máy đã là phương tiện không thể thiếu đối với mọi người, rất cần cho việc đi lại, làm việc...nhưng mỗi lần ngồi lên xe lại lo sợ chếc xe bị cháy hoặc nghiêm trọng hơn là nổ xe thì thật đáng lưu tâm.
Tuy nhiên, bạn hãy là một người tiêu dùng minh mẫn khi lựa chọn cho mình dịch vụ bảo dưỡng hợp lý và chính xác để không mất tiền oan. Trước tiên, bạn nên dành thời gian để kiểm tra trước chiếc xe ở nhà trước khi mang ra tiệm sửa chữa.

img

Lời khuyên của chúng tôi cho bạn chính là nên chọn các đại lý bảo dưỡng chính hãng hoặc là đại lý mà bạn đã mua xe nếu xe còn trong thời gian bảo hành.

Nên tránh các cửa hàng tư nhân hoặc chọn những cửa hàng tư nhân có uy tín. Tuy giá ở các cửa hàng bảo dưỡng tư nhân thường nhẹ nhàng và bạn không phải chờ đợi quá lâu nhưng hãy lưu ý về tính an toàn của bạn. 

Nếu có ý định sửa chữa ở trung tâm lớn thì nên đi hỏi giá sửa chữa, phụ tùng thay thế trước khi xe được "mổ", cất giữ và ghi lại chi tiết thời gian sửa chữa, thay thế phụ tùng cho xe để đem đối chiếu những lần sau. Thông thường đối với xe mới mua, nhà sản xuất thường có chế độ bảo hành 1 – 2 năm. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng vì là xe mới nên trong thời gian đó hầu như rất ít trục trặc, nếu có thì cũng không đáng kể. Vì thế, công việc của các nhân viên khi bảo dưỡng định kỳ thường chỉ là tra dầu vào ốc vít và thay nhớt mới. Những hỏng hóc thực sự sẽ xuất hiện ở thời gian sau đó.
 
img
Bảng báo giá phụ tùng trên website của Honda

Bạn cũng nên trang bị một số kiến thức tối thiểu về xe máy để có thể dự đoán được một số hỏng hóc thường gặp và biết cách xử lý, tránh gặp phải tình trạng tiền mất tật mang.

Hiện nay, hầu hết các hãng xe máy như Honda, Yamaha đều cập nhật bảng báo giá phụ tùng chính hãng trên website của mình. Nếu có điều kiện, bạn nên tham khảo trước khi quyết định có nên thay mới phụ tùng hay không và tránh việc tự biến mình thành "mồi ngon" cho các thợ bảo dưỡng xe.