Sau khi xảy ra hàng loạt những vụ cháy, nổ xe máy trong thời gian gần đây, những ngày cuối năm, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng xe máy (SC, BDXM) lại được dịp đông khách. Đây cũng là thời điểm “đục nước béo cò” để các trung tâm, cửa hàng SC, BDXM nhỏ lẻ tìm mọi cách để “giăng bẫy” khách hàng.

Bảo dưỡng “lợn lành thành lợn què”

Chị Thanh Huyền sống tại Hai Bà Trưng - Hà Nội bức xúc cho biết: “Tranh thủ những ngày cuối năm, tôi mang chiếc xe Honda Lead tới một trung tâm SC, BDXM gần nhà để bảo dưỡng toàn bộ, kiểm tra hệ thống điện vì lo cháy, chập. Do tin tưởng đây là trung tâm lớn, hơn nữa đã sửa xe ở đây vài lần, nên tôi yên tâm giao xe lại, sau 2 tiếng tôi quay lại lấy xe mới tá hỏa với tờ hóa đơn kê hàng tá phụ tùng thay mới gồm: nhông, xích, curoa, lốp, lọc dầu... với tổng thiệt hại 2,2 triệu đồng, trong khi xe tôi mới mua chưa đầy 1 năm. Nhân viên ở đây giải thích, do xe chạy nhiều nên nhông xích và lốp mòn nhanh, cần thay mới để đảm bảo an toàn...”.

Việc nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng xe máy tìm đủ chiêu để thuyết phục khách hàng thay linh kiện, phụ tùng mới cho xe sẽ khiến những khách hàng ít am hiểu về xe cộ, nhất là khách hàng nữ mất một khoản tiền đáng kể thay thế những linh kiện, phụ tùng vẫn còn sử dụng được. Đáng lo hơn là nhiều khách hàng còn bị “tiền mất, tật mang” khi giao xe cho những thợ có tay nghề thấp, cố tình thay những phụ tùng kém chất lượng.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - quản lý Cửa hàng ủy nhiệm (HEAD) của Honda Việt Nam tại 18 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Không ít thợ sửa xe tay nghề kém đã biến chiếc xe của khách từ “lợn lành thành lợn què”, thay phụ tùng kém chất lượng, giá “cắt cổ” khiến khách hàng không chỉ mất tiền oan còn phải đối mặt với nguy cơ tai nạn do xe lắp các loại phụ tùng không đồng bộ, kém chất lượng...”.

Cũng theo anh Hùng tay nghề kém và sửa chữa, bảo dưỡng xe máy không đúng quy trình, chất lượng cũng có thể gây nên cháy xe, hỏng hóc trong quá trình sử dụng. Chẳng hạn, người thợ thực hiện các thao tác buộc, nối hoặc đặt vị trí các đầu dây không đúng quy định sẽ dễ dẫn tới chập cháy khi ở nhiệt độ cao, những đầu dây thừa sẽ vòng xuống khu vực có nhiệt độ cao gây cháy dây và dẫn đến cháy xe... Những cơ sở tư nhân thường tư vấn cho khách lắp thêm các thiết bị không đồng bộ với xe như chống trộm, bộ tiết kiệm xăng, còi, đèn... cũng có thể gây chập điện, cháy nổ xe...

Cần có quy định, chế tài về SC, BDXM

Trong cuộc họp báo đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT  Đinh La Thăng đã cho biết, từ năm 2012, Bộ GTVT sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ cháy, nổ xe máy và giao Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương hoàn thành hệ thống văn bản liên quan trong thời gian sớm nhất, để chỉ rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức khi có những vụ cháy nổ xe máy, ôtô tương tự xảy ra.

Ông Đỗ Hữu Đức - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đang nghiên cứu các giải pháp tăng cường đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật cho các phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó có giải pháp tăng cường quản lý đối với các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, xe máy. Bởi hiện nay, nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng không có đủ trang thiết bị, nhân lực không được đào tạo bài bản dẫn đến chất lượng sửa chữa xe không đảm bảo, ảnh hưởng đến sự an toàn của phương tiện. Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị cần có những quy định về mặt bằng, trang thiết bị dụng cụ và nhân lực đối với các cơ sở này...

Hiện, Việt Nam mới chỉ có quy định về bảo hành, bảo dưỡng với xe ôtô nhập khẩu, còn ôtô sản xuất trong nước và xe máy thì chưa có quy định về lĩnh vực này. Ông Đức cũng cho biết sẽ đề xuất thực hiện việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật kết hợp với kiểm tra khí thải trong quá trình sử dụng xe máy.

Cũng theo ông Đức, ở nhiều nước trên thế giới, sửa chữa môtô, xe máy là loại hình kinh doanh có điều kiện, vì công việc này có liên quan trực tiếp đến an toàn của người ngồi trên xe và những người cùng tham gia giao thông. Tuy nhiên ở ta, ai cũng có thể mở cửa hàng bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, xe máy. Đây cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn, cháy nổ xe... khi tham gia giao thông.

Theo Tuấn Minh
VTC