Cỗ xe với mã hiệu SdKfz 2 có lẽ là một trong những cỗ xe quân sự đặc biệt nhất của lực lượng Wehrmacht (Lực lượng Vệ quốc Đức). Được biết đến dưới tên gọi Kettenkrad, cỗ xe này là đứa "con lai" giữa xe máy và xe tăng, được thiết kế để sử dụng cho mục đích vận tải quân sự. Kettenkrad có thể nằm gọn trong thân máy bay vận tải Junkers Ju 52, và sẽ tham gia vào hỗ trợ lính dù sau khi tiếp đất.

Kettenkrad - cỗ xe máy lai tăng vô tiền khoáng hậu của quân đội Đức thời thế chiến - Ảnh 1.

Đây đích thị là đứa con lai giữa xe máy và xe tăng

Năm 1941, Kettenkrad được sử dụng trong thực chiến lần đầu tiên, đi theo lực lượng trinh sát ở Mặt trận phía Đông. Một thời gian sau, cỗ xe này được tham gia vào các hoạt động cùng đơn vị lính nhảy dù tinh nhuệ của Wehrmacht. Tuy nói là đi cùng với lính nhảy dù, nhưng Kettenkrad sẽ được đưa vào chiến trường sau khi những người lính nhảy dù thành công, nhờ một chiếc máy bay vận tải chuyên dụng.

Chiếc "xe máy lai tăng" này do công ty NSU Motorenwerke thiết kế vào năm 1939. Một thời gian sau, do nhu cầu ngày một gia tăng từ phía quân đội, mà Kettenkrad được đưa vào sản xuất hàng loạt bởi hai công ty xe khác là Stoewer và Stettin. Sở dĩ cỗ xe này được quân đội Đức "săn đón" như thế, là bởi chúng hết sức linh hoạt, nhưng cũng đồng thời rất "trâu bò", lại có khả năng vượt qua cả những vùng đất đầy rẫy bùn lầy của khu vực Đông Âu.

Kettenkrad - cỗ xe máy lai tăng vô tiền khoáng hậu của quân đội Đức thời thế chiến - Ảnh 2.

Cỗ xe Kettenkrad sử dụng động cơ 4 xi lanh Opel, được làm mát bằng nước, và có khả năng đạt được tốc độ tối đa khoảng 70 km/h. Chính yếu tố này khiến cho cỗ xe vô cùng phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, cũng như vận chuyển những người lính bị thương.

Ngoài ra, cỗ xe này có thể chở theo súng máy, để sử dụng trong mục đích tấn công khi đang truy đuổi lính bộ binh, hay để bắn trả trong khi rút lui. Do đó mà, Kettenkrad còn được "góp mặt" rất nhiều trong các nhiệm vụ tấn công trên bộ.

Kettenkrad - cỗ xe máy lai tăng vô tiền khoáng hậu của quân đội Đức thời thế chiến - Ảnh 3.

Bên cạnh vai trò tấn công trong chiến đấu, những chiếc xe máy lai tăng còn được dùng trong một số vai trò hậu cần khác nữa. Trong số đó, có thể kể đến việc lắp đặt các đoạn dây cáp liên lạc, kéo pháo, hay thậm chí, là vận chuyển thư tín trong trường hợp có vấn đề về liên lạc.

Một thời gian sau đó, những cỗ Kettenkrad còn đảm nhận thêm trọng trách kéo đà cho máy bay, mà đáng chú ý nhất, là cho máy bay chiến đầu Messerschmitt Me 262. Cỗ xe này còn "mở rộng địa bàn hoạt động", không chỉ ở mặt trận phía Đông, mà còn tại Bắc Phi, Pháp, và Đức. Chiếc xe máy lai tăng này dần trở thành một phần không thể thiếu của lính dù trong lực lượng Vệ quốc.

Tới năm 1944, có tổng cộng 8345 cỗ xe Kettenkrad được sản xuất. Và ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, những cỗ xe máy lai tăng này vẫn tiếp tục được sử dụng, chủ yếu cho hoạt động nông nghiệp, thay thế cho những chiếc máy cày. Thậm chí, đến năm 1948, người ta vẫn tiếp tục sản xuất thêm 550 cỗ Kettenkrad - và sử dụng chúng trong các trại khai thác, vận chuyển gỗ, cũng như cho các lữ đoàn cứu hỏa.

Kettenkrad - cỗ xe máy lai tăng vô tiền khoáng hậu của quân đội Đức thời thế chiến - Ảnh 4.

Sau chiến tranh, những chiếc Kettenkrad được sử dụng thay cho máy cày

Ngày nay, những chiếc Kettenkrad còn sót lại hầu hết đều nằm trong viện bảo tàng, cũng như trong tay các nhà sưu tập. Một vài chiếc xe, cho đến nay vẫn còn có khả năng hoạt động - bằng chứng rõ nét về độ bền của những cỗ xe máy lai tăng này.

Thế nhưng, mặc dù "chất lượng" là vậy, trong lịch sử không hề được chứng kiến một thiết kế xe quân sự nào giống chiếc Kettenkrad nữa, kể từ thời hậu thế chiến thứ hai cho đến nay.