Doanh số tháng 11 vừa rồi của Hyundai tại Trung Quốc giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 95.012 xe. Tính rộng ra từ đầu năm tới nay, doanh số của liên doanh Hyundai-BAIC giảm 29% xuống 691.000 xe, còn doanh số của Hyundai Bắc Kinh cũng giảm hơn 30%. Lượng xe Kia bán ra tại đây cũng giảm đi trông thấy.

Tất cả vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Hyundai bắt đầu từ tháng 3 năm nay khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chế tạo, dẫn đến tư tưởng "tẩy chay" các sản phẩm Hàn Quốc trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng tại Trung Quốc. Hyundai, suy cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân bất đắc dĩ từ sự việc này.

Tuy nhiên, mới đây, cuộc gặp song phương giữa 2 phía đã phần nào cải thiện mối quan hệ đang nguội lạnh giữa 2 cường quốc châu Á. Du khách Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện lại tại các thành phố lớn như Seoul. Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đã bắt đầu giảm sức ép lên người hàng xóm. Dù vậy, cũng sẽ cần thời gian cho Hyundai phục hồi. Doanh số tháng 11 cao hơn tháng 10 khoảng 18% là một phần dấu hiệu tích cực.

Hyundai và vận rủi tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Đội hình sản phẩm của Hyundai Trung Quốc đang quá phụ thuộc vào dòng sedan/hatchback.

Thế nhưng, trở ngại của thương hiệu Hàn Quốc không dừng lại ở đó, đơn giản bởi chính bản thân họ cũng đang gặp vấn đề.

Từ năm 2015 trở lại đây, thị phần của Hyundai không hề cao như những gì họ đáng lẽ đạt được. Doanh số 2015 của hãng giảm 5,1% trong khi thị trường tăng trưởng chung 7,3%, trong khi doanh số năm sau đó cũng chỉ tăng 7,5% so với mức chung 15% toàn thị trường.

Nguyên nhân rất đơn giản: Hyundai đã chậm chân trong việc nắm bắt thị hiếu khách hàng. Sự chuyển đổi toàn cầu từ sedan sang SUV/crossover cũng đã chạm tới Trung Quốc và rất nhiều thương hiệu nội lẫn ngoại địa đã nhanh chóng bổ sung lực lượng bằng các dòng xe mới đáp ứng tiêu chí này.

Trái lại, Hyundai không hề bổ sung dù chỉ 1 dòng SUV hoặc crossover nào hết. Họ vẫn dựa vào các mẫu xe cũ với chủ lực lại nằm ở phân khúc đang đi xuống là sedan.

Hyundai và vận rủi tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Ngay cả khi cải thiện đội hình xe, Hyundai vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức ở cả phân khúc SUV và EV/PHEV.

Trong năm tới, Hyundai sẽ ra mắt một dòng crossover đô thị cỡ nhỏ và một dòng crossover 7 chỗ cỡ lớn tại Trung Quốc. Dù vậy, các đối thủ của họ như Geely hay Great Wall cũng sẽ ra mắt hàng loạt các dòng xe crossover mới khác nhau, vậy nên cạnh tranh thị phần vẫn sẽ rất khốc liệt. Đặc biệt là khi Hyundai đang ở thế phải bám đuổi.

Thêm nữa, với các quy định khí thải ngày một bị siết chặt, Hyundai lẫn Kia sớm muộn cũng phải mở rộng phân khúc xe chạy nhiên liệu thay thế của mình. Mảng này của cả 2 cũng chậm hơn các đối thủ từ 1 tới 2 năm.

Quả thực, tập đoàn Hàn Quốc cần cố gắng rất nhiều để có thể tìm được điểm tựa vững chắc. Nhiều thương hiệu đã không ngần ngại khẳng định Trung Quốc là thị trường số 1 của họ và họ sẵn sàng thay đổi tất cả để không "mất chỗ" tại đây (như VW) và khi xét tới con số gần 25 triệu xe mới được bán ra hàng năm, ta có thể hiểu rõ tại sao.