Theo đánh giá của Hà Nội hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị. Vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng được một phần yêu cầu. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Cụ thể, theo đánh giá nếu không có giải pháp kịp thời, tình hình giao thông của Hà Nội khoảng 4 đến 5 năm tới sẽ rất phức tạp với dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ôtô, 7 triệu xe máy.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới về phát triển giao thông vận tải là tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông; các công trình cấp bách đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Trong các giải pháp, đáng chú ý Hà Nội đưa ra việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng phương tiện cá nhân xe máy hoạt động.

Góp ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình với giải pháp giảm dần phương tiện các nhân. Bí thư quận Thanh Xuân Vũ Cao Minh cho rằng, bên cạnh xe máy cá nhân, người dân đang chuyển sang dùng xe đạp điện và xe máy điện. Vì vậy, theo ông Minh đề nghị bổ sung chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân, trong đó có xe máy, xe đạp điện, xe máy điện…

Trong các loại hình giao thông, theo ông Minh, cũng nên chú ý đến giao thông đường thủy. Sông Tô Lịch có nhiều ý nghĩa văn hóa lịch sử với Thủ đô, nếu cải tạo tốt vừa có thể bảo vệ môi trường vừa có khả năng giao thông đường thủy ở mức hạn chế.

Việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông được Hà Nội đặt ra nhiều năm qua. HĐND thành phố Hà Nội cũng đã 2 lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế thành phố chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào, số lượng ôtô xe máy vẫn tăng mạnh. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Tiền Phong