Trên thị trường ô tô Việt Nam, các mẫu xe nói chung sau mỗi lần nâng cấp facelift hoặc đổi sang thế hệ mới với nhiều trang bị hơn đều tăng giá. Mitsubishi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng hãng xe Nhật đang chọn hướng đi khác biệt để mức giá mới ngang với con số niêm yết trước đó. 

Cụ thể, bắt đầu từ loạt xe nâng cấp facelift gần đây như Triton, Outlander, Attrage hay Xpander, liên doanh Nhật Bản chọn cách đưa ra thêm ưu đãi cho người mua xe trong giai đoạn đầu để bù lại khoản chi phí tăng nhẹ. Điều đó có nghĩa là chi phí mua xe thực tế không hề tăng hoặc tăng rất ít, không đáng kể so với những trang bị mới mà chiếc xe mang lại.

Giữ giá tăng ‘option’ - Cách chiếm thị phần mạnh tay của Mitsubishi tại Việt Nam - Ảnh 1.

Bản nâng cấp "full option" của Mitsubishi Triton ra mắt vào tháng 11/2019. Giá xe khi đó cao nhất là 865 triệu đồng. So với bản cũ, bản mới có giá tăng 47 triệu đồng. Trong tháng đầu tiên bán ra thị trường, Triton bản cao cấp được tặng kèm gói phụ kiện trị giá 25,5 triệu đồng. Như vậy, khoản chênh lệch giá thực tế chỉ 21,5 triệu đồng.

Với 21,5 triệu đồng đó, người mua Triton mới được sử dụng mẫu xe có thiết kế mới hiện đại hơn, đèn chiếu sáng LED tự động kèm rửa đèn, cảm biến trước/sau, 7 túi khí (thay vì 2 túi) và một loạt tính năng an toàn tiên tiến như hệ thống giảm thiểu va chạm trước, cảnh báo điểm mù, hỗ trợ thay đổi làn đường, báo phương tiện cắt ngang phía sau và chống tăng tốc ngoài ý muốn.

Đánh giá Mitsubishi Triton 2020 trên hành trình Hà Nội - Mộc Châu

Tương tự, Mitsubishi cũng mang một loạt công nghệ mới lên Outlander ra mắt hồi tháng 2/2020. Bản nâng cấp facelift có cụm đèn chiếu sáng LED mới kèm tính năng rửa đèn, vật liệu da cao cấp hơn, 4 cửa kính tự động chống kẹt, màn hình lớn hơn với kích thước 7 inch, hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, phanh đỗ điện tử có tự động giữ, cảm biến lùi, 7 túi khí cùng các tính năng an toàn như cảnh báo điểm mù và báo phương tiện cắt ngang phía sau.

Giá bán lẻ của Mitsubishi Outlander bản cao cấp 2.0 Premium khi đó là 950 triệu đồng. Giá bán của bản cũ là 942 triệu đồng.

Trong thời điểm ban đầu bán ra, Outlander mới được tặng kèm gói phụ kiện gồm âm thanh Rockford Fosgate và camera 360 độ trị giá 55 triệu đồng. Như vậy, Outlander mới thậm chí còn có giá thực tế thấp hơn bản cũ 47 triệu đồng, trong khi sở hữu nhiều trang bị hiện đại hơn.

Giữ giá tăng ‘option’ - Cách chiếm thị phần mạnh tay của Mitsubishi tại Việt Nam - Ảnh 4.

Mẫu xe thứ 2 của Mitsubishi được nâng cấp facelift trong năm 2020 là Attrage, ra mắt trong tháng 3. So với Triton và Outlander thì Attrage thậm chí còn có giá bán lẻ thấp hơn trước 15,5 triệu đồng. Giá bản cao cấp Attrage CVT 2020 là 460 triệu, trong khi bản 2019 có giá 475,5 triệu đồng. Khách đặt xe sớm còn được tặng gói bảo hiểm thân vỏ trị giá 7 triệu đồng. Chi phí mua xe mới tiết kiệm hơn trước 22,5 triệu đồng.

Giống 2 mẫu xe gầm cao trên, Attrage mới cũng được bổ sung nhiều trang bị mới. Ngoài thiết kế mới, Attrage 2020 còn có đèn chiếu sáng bi-LED, đèn định vị LED và đèn hậu LED mới, ăng ten vây cá mập, ghế da với vật liệu cao cấp hơn, màn hình 7 inch lớn hơn trước, hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, gương chiếu hậu gập điện và camera lùi.

Đánh giá nhanh Mitsubishi Attrage 2020.

Mẫu xe mới nhất của liên doanh Nhật Bản là Mitsubishi Xpander vừa có bản nâng cấp 2020 hồi đầu tháng 6. So với bản cũ, bản facelift có 8 điểm mới, bao gồm hệ thống chiếu sáng LED, lưới tản nhiệt kiểu mới, vành thiết kế mới, ăng ten vây cá mập, nội thất đen với ghế bọc da, màn hình 7 inch lớn hơn có hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto.

Với những nâng cấp như vậy, giá bán lẻ của xe tăng 10 triệu, từ 620 triệu lên 630 triệu đồng với bản cao cấp Xpander AT. Bù lại, liên doanh Nhật Bản lại tặng bảo hiểm thân vỏ trị giá 10 triệu đồng cho khách mua xe trong 2 tháng 6 và tháng 7/2020. Giá xe thực tế không hề tăng.

Đánh giá nhanh Mitsubishi Xpander 2020

Xpander vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" cho Mitsubishi tại Việt Nam doanh số chiếm tới 57,7% trong 4 tháng đầu năm 2020. Trong phân khúc MPV phổ thông, mẫu xe này còn dẫn đầu về doanh số, bỏ lại Toyota Innova ở vị trí phía dưới. Với một mẫu xe bán chạy như Xpander lại có thêm nhiều trang bị mới, việc không tăng giá là điều ít hãng xe nào làm được.

Có thể thấy, Mitsubishi đang cố gắng kéo thị phần về bằng chiêu thức tăng trang bị nhưng giữ giá, áp dụng với mọi dòng xe mới của mình. Dường như cách làm này đã có hiệu quả rõ rệt, khi trong 4 tháng đầu năm 2020, thị phần Mitsubishi trong VAMA chiếm 9,7%, trong khi con số của cùng kỳ năm ngoái chỉ 7,3%.

Giữ giá tăng ‘option’ - Cách chiếm thị phần mạnh tay của Mitsubishi tại Việt Nam - Ảnh 7.