Đánh giá một chiếc xe đã xuất xưởng được hơn hai năm và thực tế là tất cả đã được bán hết là điều khá bất thường, ngay cả khi đó là một siêu xe, một chiếc xe cực hiếm. Aston Martin, từng “thề” rằng sẽ không có một nhà báo nào được “trên tay” siêu xe One-77 của họ, và hãng siêu xe danh tiếng này đã không cung cấp bất cứ chiếc One-77 nào cho các tay thử xe chuyên nghiệp.

Tạp chí Autocar từng có một bài đánh giá về siêu xe One-77, tuy nhiên người ngồi sau vô-lăng siêu xe này vẫn là một chuyên gia thử xe của Aston Martin.

Tuy không cung cấp xe cho các chuyên gia đánh giá, tuy nhiên Aston Martin cũng không ngăn cấm việc chủ sở hữu siêu xe One-77 cho các chuyên gia thử xe mượn xe. Đây là cách được Tạp chí EVO chọn để có thể thực hiện bài đánh giá siêu xe One-77, sau hơn hai năm kể từ thời điểm siêu xe này xuất xưởng.

Việc mượn một siêu xe hiếm và đắt đỏ như Aston Martin One-77 không phải là dễ dàng. Nếu không may siêu xe có giá 1,2 triệu bảng – tương đương khoảng 1,9 triệu đô, này gặp tai nạn, sẽ chẳng thể tìm được chiếc One-77 nào khác để đền, bởi chỉ có 77 chiếc One-77 được xây dựng và tất cả đã có chủ.

Ông chủ Tạp chí EVO, Harry Metcalfe, đã đích thân ngồi sau vô-lăng siêu xe One-77 và vừa mới công bố đoạn video ngắn tóm tắt quá trình thử xe và đánh giá siêu xe có công suất 750 mã lực này. Harry Metcalfe không chỉ nổi tiếng bởi những bài đánh giá xe chất lượng, ông còn là chủ sở hữu của hai siêu xe khá hiếm khác là Pagani Zonda và Ferrari 550 Maranello.

 
Harry Metcalfe nhấn mạnh rằng tổng lượng xe Aston Martin One-77 xuất xưởng chỉ bằng khoảng 1/6 so với tổng lượng siêu xe Bugatti Veyron xuất xưởng. Và ông cũng khẳng định rằng 77 khách hàng may mắn sở hữu siêu xe này đã sở hữu một chiếc xe hoàn toàn xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.

Nhiều người cho rằng những chiếc Aston Martin thường quá giống nhau, nhưng One-77 chắc chắn là một ngoại lệ. Siêu xe này độc đáo và tuyệt vời chẳng kém gì những chiếc Bugatti Veyron, Pagani Huayra hay Koenigsegg Agera.

Một vài thông tin khác liên quan đến siêu xe Aston Martin One-77:

Khung gầm của One-77 được tạo nên từ sợi carbon trọng lượng nhẹ và vô cùng cứng chắc. Theo Aston Martin, cần tới 2.700 giờ lao động để hoàn thành một chiếc One-77, trong khi đó để hoàn thành siêu xe DB9 thì cần khoảng 200 giờ lao động. Đó là một phần lý do khiến One-77 có mức giá lên tới hàng triệu Bảng.

Trái tim của One-77 là động cơ V12 7.3 lít, động cơ này sinh ra công suất tối đa 750 mã lực, momen xoắn cực đại 750 Nm, đây là động cơ hút khí tự nhiên mạnh nhất thế giới. Sức mạnh của One-77 được truyền đi thông qua hộp số tuần tự sáu cấp. One-77 mất 3.7 giây để tăng tốc từ 0 tới 100 km/h, tốc độ tối đa của chiếc xe đạt trên 354 km/h, dù con số được Aston Martin đưa ra chỉ là trên 322 km/h.