Đã gần 2 tháng qua người dân Trung Quốc đóng cửa, tự nhốt mình trong nhà trừ khi phải đi làm hoặc có việc bắt buộc mới ra đường do lo ngại nhiễm COVID-19.

Với việc chính quyền nước này tuyên bố đỉnh dịch đã trôi qua, số ca nhiễm mới giảm kỷ lục cùng số ca hồi phục tăng nhanh, các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại với hy vọng người dân sẽ đổ xô đi "tiêu tiền" sau quá trình bị kìm hãm.

Thực tế, kỳ vọng này không sai nhưng chỉ thích hợp với một số mặt hàng nhất định chứ không phải một chiếc sedan hay crossover. Đó là kết quả của khảo sát do J.D. Power hợp tác cùng công ty tư vấn thị trường Associates tại Trung Quốc thực hiện.

J.D. Power khẳng định các hãng xe không nên kỳ vọng người tiêu dùng mua phương tiện mới tăng lên sau khi COVID-19 bị dập tắt. Trong số những người được khảo sát, chỉ 5,9% số người không có ý định mua ô tô đổi ý sau khi chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 với lý do "cần phương tiện cá nhân để không phụ thuộc vào giao thông công cộng dễ chịu tác động bởi bệnh dịch".

Trong khi đó, 21% không có ý định mua ô tô giữ nguyên quyết định, số còn lại không có ý kiến.

Trong khi đó ở nhóm người có ý định mua xe, 25% quyết định đẩy nhanh tiến độ mua vì cần phương tiện cá nhân trong khi 21% bỏ cuộc vì COVID-19. J.D.Power không công bố nguyên nhân nhưng ai cũng hiểu: người tiêu dùng cần "thắt lưng buộc bụng" do nền kinh tế khó khăn và dòng tiền bất ổn hậu COVID-19.

Ngoài tâm dịch Vũ Hán, nhiều đại lý xe tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại trong tuần này nhưng không có nhiều khách ghé thăm. Một bộ phận không nhỏ (ở cả quy mô lớn lẫn trung bình) vẫn phải đóng cửa do không có kinh phí cung cấp trang phục bảo hộ cần thiết cho nhân viên sau thời gian dài không có khách.

Do lệnh cấm di chuyển của chính quyền vẫn chưa được bãi bỏ, hơn 31 triệu công nhân đi làm xa vẫn chưa thể trở lại làm việc cho đến ít nhất là tuần sau. Nguồn thu của họ mất đi trong gần 2 tháng qua sẽ không thể lấy lại, tương tự là doanh số mà làng xe mất đi cùng kỳ. Ngay cả việc trở lại mức tiêu thụ bình thường hậu COVID-19 cũng sẽ là bài toán khó mà các hãng xe phải tìm lời giải bằng các phương pháp kích cầu hợp lý.

Tham khảo: Autonews

Chuyên gia tiết lộ điều đau lòng về tương lai ngành xe sau COVID-19 - Ảnh 2.