Mua ô tô được vay ưu đãi?

Thị trường ô tô Việt Nam hiện đã mở cửa hoàn toàn cho khu vực ASEAN và sắp tới là EU, Nhật Bản, Mexico,... Thuế nhập khẩu giảm về 0%, ô tô giá rẻ ngày càng tràn vào nhiều. Hiện ô tô con nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia liên tục tăng nhanh, khiến sản xuất lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng đã đề xuất một loạt chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Bên cạnh những đề xuất như không đánh thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, nhập về để sản xuất linh kiện ô tô; không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện mua trong nước,... mới đây, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước nhằm kích cầu sản xuất nội địa.

Cho dân vay lãi suất 0% để mua ô tô, xe giá rẻ có cửa sống  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng sẽ được vay ưu đãi mua ô tô trong nước?

Trong khu vực ASEAN, Thái Lan là quốc gia đã áp dụng chính sách này từ lâu, nhằm thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển. Tại Thái Lan , những người lần đầu tiên mua ô tô trong nước sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất khi vay vốn ngân hàng. Tức là, khoản vay dùng để mua ô tô có lãi suất 0% trong suốt thời gian vay. Cùng với đó là miễn giảm thuế, phí lên tới 3.200 USD. Nhờ đó, nhiều người dân Thái Lan dễ dàng mua được ô tô. Hiện tại thuế phí đánh vào ô tô tại Việt Nam rất cao, người dân bị hạn chế tiêu dùng nên không được hưởng ưu đãi gì. Nếu chính sách cho vay ưu đãi, để mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước trở thành hiện thực, thì cả người dân và ngành công nghiệp ô tô sẽ được hưởng lợi.

Với người Thái, từ sinh viên mới ra trường đến người bán hàng rong, hay nông dân,... chỉ cần có thu nhập tương đương khoảng 13 triệu đồng/tháng của Việt Nam là đã mua được ô tô. Chính phủ Thái Lan hiểu rất rõ rằng, muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển, trước tiên phải có thị trường và thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, người dân được xem là khách hàng số 1, với chính sách ưu đãi thiết thực.

Cho đến nay, tỷ lệ ô tô bình quân tại Thái Lan đạt 220 xe/1.000 dân. Pick up là dòng xe chiến lược có sản lượng rất lớn. Tại nông thôn, hầu hết các gia đình đều có 1 chiếc ô tô và chủ yếu là Pick up. Không ít gia đình có tới 2 chiếc. Thông qua hỗ trợ lãi suất cho vay, chi phí bỏ ra giảm, vì vậy nhiều người sẵn sàng vay tiền ngân hàng để mua xe.

Nhờ vậy, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan nay rất phát triển. Mỗi năm, Thái Lan sản xuất khoảng 2 triệu xe, tiêu thụ 1 triệu chiếc tại thị trường trong nước, còn lại xuất khẩu. Công nghiệp ô tô đóng góp tới 12% cho GDP quốc gia hàng năm.

Trong khi đó, hơn 20 năm phát triển, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp giản đơn với sản lượng thấp, đạt 250.000 xe/năm và mới chỉ có khoảng 2% dân số có ô tô riêng.

Mong được như Thái Lan

Nhiều người Việt Nam mua ô tô hiện vẫn phải vay vốn ngân hàng. Thống kê của DN ô tô hàng đầu tại Việt Nam cho thấy, trong số 10 người mua xe thì có tới một nửa phải vay nhà băng. Tuy nhiên, họ vay vốn mà không nhận được hỗ trợ gì, vẫn phải trả lãi suất khá cao.

Cho dân vay lãi suất 0% để mua ô tô, xe giá rẻ có cửa sống  - Ảnh 2.

Nhiều người mong VN có chính sách ưu đãi cho vay tiền mua ô tô như Thái Lan


Lãi suất cho vay mua ô tô ưu đãi của các ngân hàng dao động từ 7,4%/năm - 9,6%/năm cho 6 tháng đến 12 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi. Lãi suất được tính dựa trên lãi suất cơ sở (là bình quân chi phí vốn đầu vào của ngân hàng tại thời điểm tính) cộng thêm biên độ từ 3,5-4%/năm. Khách hàng mua ô tô có thể được vay tới 80% giá trị xe, có thể trả trong vòng 6 năm.

Cứ tạm tính một khách hàng vay ngân hàng 200 triệu đồng, trong 3 năm, để mua ô tô. Lãi suất ưu đãi 12 tháng đầu là 8%/năm, sau đó là 12%/năm, thì sau 3 năm người đó sẽ phải trả tiền lãi 30 triệu đồng. Năm thứ nhất phải trả hơn 13 triệu đồng, năm thứ 2 hơn 12 triệu và năm thứ 3 hơn 4 triệu đồng, chưa kể tiền gốc.

Nếu vay với số tiền lớn hơn thì khoản lãi phải trả cũng cao hơn nhiều. Trong khi, thu nhập của người Việt còn thấp, đây là khoản tiền không nhỏ. Nhất là với người dân ở vùng nông thôn, đời sống chưa được sung túc.

Vì vậy, nếu được hỗ trợ 100% lãi suất giống như Thái Lan, kết hợp với các chính sách ưu đãi khác, như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện mua trong nước, không đánh thuế nhập khẩu nguyên vật liệu nhập về sản xuất linh kiện,... sẽ giúp giá ô tô trong nước giảm thấp, người dân dễ tiếp cận hơn. Khi nhiều người có thể mua ô tô, các nhà sản xuất sẽ tăng được sản lượng và ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, tại Thái Lan lãi vay được Chính phủ hỗ trợ, tiền lấy từ nguồn thu của chính ngành công nghiệp ô tô. Còn với Việt Nam mức hỗ trợ lãi vay bao nhiêu, lấy tiền đâu cũng chưa rõ.

Bình luận về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, với lượng xe như hiện nay đã gây tắc đường liên miên, nếu khuyến khích người dân mua ô tô, lấy đâu ra đường mà đi? Nhưng cũng có ý kiến phản bác, rằng tắc đường chỉ diễn ra tại các thành phố lớn, những khu vực khác không bị. Hơn nữa, hạ tầng giao thông cả nước đang phát triển, đủ đảm bảo cho sử dụng xe hơi.

Với một quốc gia 100 triệu dân, đến nay mới có chưa tới 3 triệu ô tô, mà đã phải hạn chế thì phát triển kiểu gì? Tại sao người dân các nước khác được đi xe hơi, trên những con đường êm ái, mà người Việt lại không?

Quan trọng hơn, Việt Nam có gần 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất thiết kế hơn 680.000 xe/năm. Sắp tới, công suất có thể đạt 1 triệu xe/năm. Nếu không có các chính sách khuyến khích người dân sử dụng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì ngành công nghiệp ô tô sẽ phá sản. Chưa kể, có cả triệu ô tô nhập khẩu sắp tràn vào mỗi năm.