Việc gắn thanh barie trên vỉa hè hiện còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến cho rằng lắp thanh barie trên vỉa hè là làm cản trở giao thông, gây khó khăn cho người đi bộ.

Ý kiến khác lại cho rằng xét trong tình hình hiện nay, việc gắn thanh barie cũng tốt, ít nhiều cũng có tác dụng nhắc nhở, răn đe việc chạy xe trên vỉa hè. Khi còn nhiều người thiếu ý thức chạy xe lên vỉa hè lấn chiếm hết đường của người đi bộ như hiện nay, có thể nói gắn thanh barie cũng là một giải pháp.

Các thanh được lắp so le nhau để ngăn không cho xe máy vượt qua nhưng người đi bộ vẫn có thể bước qua bình thường. Độ hở giữa các thanh cũng vào khoảng 80 cm, đủ để người khuyết tật lăn xe qua.

Theo UBND phường Bến Nghé (quận 1), việc lắp đặt barie trên vỉa hè nhằm bảo vệ người đi bộ, trong đó có cả các em học sinh và du khách nước ngoài, ngăn cản người đi xe máy lao lên lề đường, giúp phần vỉa hè thông thoáng.

Nhiều người dân và du khách nước ngoài di chuyển qua vỉa hè các tuyến đường có lắp đặt barie cũng bày tỏ sự hài lòng với “sáng kiến” này.

Chạy xe qua barie trên vỉa hè có bị tạm giữ xe? - Ảnh 1.

Thanh barie được gắn lên vỉa hè để chống xe máy leo lề. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp, cố tình chạy xe máy lên vỉa hè, luồn lách qua các thanh barie. Hình ảnh này gây nhiều bức xúc, nhiều người cho rằng phải phạt thật nghiêm, tịch thu luôn phương tiện để răn đe.

Pháp luật xử phạt hành vi này ra sao?

Căn cứ Điểm g khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Theo Điểm c khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nếu thực hiện hành vi vi phạm nêu trên mà gây tai nạn giao thông, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ không bị tịch thu phương tiện.

Những trường hợp vi phạm giao thông bị tịch thu phương tiện đối với xe máy gồm: buông cả hai tay khi lái xe, dùng chân lái xe, ngồi về một bên lái xe, nằm trên yên lái xe, lạng lách đánh võng, chạy bằng một bánh, lái xe loại sản xuất lắp ráp không đúng quy định, đua xe…