Tối 2/12, mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn video chiếc Lamborghini Aventador mui trần hàng hiếm bị bắt lửa phần đuôi xe khi đi "bão" ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Rất may, ngọn lửa đã sớm được dập tắt, chưa để lại hậu quả quá nặng nề cho chiếc siêu xe. Sự việc diễn ra ở Đà Nẵng.

Chiếc Lamborghini Aventador nẹt pô cháy đuôi và được dập lửa sau đó

Cháy siêu xe không phải chuyện hiếm trên thế giới, và nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chủ xe hoặc phía nhà sản xuất. Theo tờ The National, siêu xe thường được điều khiển với tốc độ cao hoặc nẹt pô gây chú ý khi đi trong phố, dẫn tới nhiều bộ phận cơ khí gặp tình trạng quá nhiệt. Ai cũng biết rằng, siêu xe sử dụng động cơ lớn, như V8, V12 hay W16. Do đó, khả năng sinh nhiệt sẽ cao hơn nhiều so với động cơ I4 thường thấy trên ô tô phổ thông.

Ngọn lửa rất dễ hình thành khi những bộ phận cơ khí quá nhiệt gặp những chất dễ cháy ở xung quanh như hơi xăng, nhựa hoặc các chất kết dính. Có thể kể đến vụ cháy siêu xe Lamborghini Huracan Performance ở Mỹ hồi tháng 7/2018. Một chiếc MPV sau khi tiếp nhiên liệu xong đã quên không bỏ vòi bơm khiến xăng văng lên nắp capo của chiếc siêu xe, rồi dẫn tới hoả hoạn.

Cháy siêu xe - Hậu quả từ những thói quen xấu, không chỉ vì nẹt pô - Ảnh 2.

Cháy siêu xe không phải chuyện hiếm trên thế giới. Ảnh: The National.

Nếu không đi chậm lại vài km trước khi dừng, siêu xe sẽ dễ cháy hơn.

Robert Hodges

"Siêu xe thường di chuyển với tốc độ nhanh với vòng tua máy cao trước khi dừng ở trạm xăng với động cơ rất nóng, trong một số trường hợp, ống xả thậm chí vẫn còn bị nung đỏ", Robert Hodges, một chuyên gia về an toàn và kỹ thuật đường bộ ở Anh cho hay.

Vị này đưa ra lời khuyên: "Người lái siêu xe nên đi chậm lại trong vài km trước khi đến điểm dừng để hệ thống tản nhiệt có thời gian làm nguội động cơ. Nhất là khi điểm dừng là trạm xăng. Việc động cơ hoạt động tần suất cao rồi dừng lại, tắt máy khiến động cơ buộc phải làm nguội tự nhiên, trong trường hợp gặp vật liệu dễ cháy sẽ cho hậu quả khôn lường".

Dẫu vậy, người lái không phải nguyên nhân của tất cả trường hợp cháy siêu xe, mà có thể là nhà sản xuất. Không ít siêu xe bị bắt lửa vì một bộ phận nào đó chưa được tính toán kỹ lưỡng. Đơn cử như vụ triệu hồi năm 2010 của Ferrari đối với 1.200 xe 458 Italia do chất kết dính ở vòm bánh xe phía sau quá gần ống xả. Mẫu Ferrari FF cũng được cho là dính lỗi tương tự cách đây nhiều năm. Hay như lỗi hệ thống thu hồi hơi xăng trên Lamborghini Aventador.

Thói quen nẹt pô siêu xe cũng cần hạn chế. Anh Trần Khắc Huy, Giám đốc kỹ thuật Lamborghini và Bentley Việt Nam giải thích việc nẹt pô sẽ khiến động cơ quá nhiệt, tốn nhiên liệu và tăng nguy cơ cháy nổ. 

Để có âm thanh gây chú ý, người lái siêu xe thường nẹt pô bằng cách nhấn mạnh chân ga, đẩy vòng tua lên cao. Khi đó, trục khuỷu phải quay nhiều vòng hơn, đồng nghĩa với việc sinh nhiệt nhiều hơn. Trong khi chiếc xe có thể đang đứng yên hoặc di chuyển chậm, khiến hệ thống tản nhiệt khó làm mát kịp.

Cháy siêu xe - Hậu quả từ những thói quen xấu, không chỉ vì nẹt pô - Ảnh 4.

Hầu hết vụ cháy siêu xe bắt nguồn từ khoang động cơ. Ảnh: Wrecked Exotics.

Theo quy luật của ngành ô tô, chiếc xe càng đắt tiền sẽ tỷ lệ thuận với chi phí sử dụng. Và nó càng đúng với những siêu xe có giá trên 200.000 USD. Ngoài vấn đề về chi phí, siêu xe cần được chăm sóc đặc biệt và chủ nhân cũng phải nắm được cách thức để duy trì chiếc xe ở trạng thái tốt nhất. 

Do đó, không phải chiếc siêu xe nào cũng được chăm sóc đúng cách, tệ hơn là sử dụng phụ tùng không đảm bảo làm tăng nguy cơ cháy nổ. Ông Hodges cho rằng, các nhà sản xuất chế tạo ra những chiếc siêu xe đạt tiêu chuẩn an toàn để hoạt động với hiệu suất cao, nhưng cách thức sử dụng của khách hàng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

"Siêu xe sinh ra để hoạt động ở tần suất cao, nên chúng cần chủ xe chăm sóc cẩn thận và bảo trì, bảo dưỡng đúng cách", Hodges nói.

Ông này còn vạch ra một nguyên nhân khác dẫn đến các vụ cháy siêu xe. Đó là thói quen độ xe. Phổ biến nhất là độ hệ thống ống xả, vì rất nhiều chủ siêu xe muốn ống xả có thể bắn ra càng nhiều tia lửa càng tốt.

"Việc tăng hiệu suất xe, dù là cải thiện hệ thống phanh hay điều chỉnh hệ thống treo (chưa kể đến việc độ động cơ hay ống xả), mà không tính toán kỹ lưỡng đến các yếu tố liên quan cũng đủ nảy sinh vấn đề", Hodges nói.

Các nhà sản xuất siêu xe đã dành một khoảng thời gian dài để phát triển và thử nghiệm một sản phẩm, nhằm đạt các tiêu chí về an toàn ở nhiều điều kiện hoạt động khác nhau. 

"Nhưng việc tự ý độ xe có thể biến những cố gắng đó về con số 0", Robert Hodges cho hay. "Nói chung, bất kỳ một món đồ nào làm mất bảo hành của chiếc xe cũng không nên gắn vào, nếu không muốn đánh đổi sự an toàn".

Nguyên nhân cuối cùng là sự khác nhau về khí hậu giữa các khu vực. Ông Hodges lấy ví dụ các nhà sản xuất thường có phiên bản phù hợp với khu vực với thị trường Trung Đông, nhưng khách hàng nơi đây thường mua xe nhập khẩu từ các quốc gia khác Mỹ hay châu Âu có mùa đông lạnh giá. Vì thế, những chiếc xe này khó có thể vận hành an toàn vào mùa hè với nhiệt độ cao.

Điều này cũng đúng với cả thị trường Việt Nam. Các thương hiệu thường nhập khẩu các phiên bản dành cho thị trường có khí hậu tương đồng nhằm đảm bảo độ bền và an toàn theo thời gian.

Không ít vụ cháy siêu xe đã xảy ra, nhưng có thật là chúng thường là nhân vật chính trong các vụ cháy xe? Câu hỏi này xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội Quora và Reddit, và câu trả lời là không. Ước tính có hơn 100.000 vụ cháy xe ở Mỹ mỗi năm, và số lượng siêu xe trong đó chỉ đếm trong đầu ngón tay.

Định kiến siêu xe thường xuyên bị cháy là do chúng thu hút sự chú ý hơn. "Chẳng có ai để tâm tới một chiếc Ford Focus bị cháy trên đường, nhưng một chiếc Ferrari hay Lamborghini thì ngược lại", một người dùng bình luận.