Cụ thể, AAA đã tìm hiểu 5 dòng xe 2017 và 2018 sử dụng giao diện hệ thống thông tin giải trí khác nhau để tìm hiểu xem chúng yêu cầu người dùng tập trung bao nhiêu và đồ họa có trực quan, dễ sử dụng hay không. Các tính năng được so sánh bao gồm chọn/điều khiển trình chơi nhạc, gọi điện, nhắn tin và lập trình hệ thống định vị vệ tinh. Hệ thống điều khiển sử dụng giọng nói, màn hình cảm ứng hoặc các công nghệ giao tiếp khác như điều khiển bằng cử chỉ cũng được phân tích.

Kết quả được AAA thu lại là CarPlay và Android Auto chỉ yêu cầu người dùng tập trung ở mức trung bình trong khi các hệ thống  do hãng xe cung cấp có độ xao nhãng cao hơn hẳn. Kết quả này có thể tới từ 2 yếu tố: người dùng đã quen thuộc với giao diện đồ họa của các hệ thống điều hành tới từ Apple và Google nhiều hơn, đồng thời chính độ tiện lợi của chúng cũng cao hơn 1 bậc – điều đã được dự đoán từ trước bởi 2 cái tên trên đã là "dân chuyên" trong thiết kế giao diện smartphone/tablet từ lâu.

Apple CarPlay, Android Auto ít khiến người dùng xao nhãng hơn các hệ thống giải trí ô tô truyền thống - Ảnh 1.

Nhiều hệ thống thông tin giải trí trên ô tô từng bị đánh giá là "thảm họa" vì quá thiếu thân thiện với người dùng chưa kể hay gặp lỗi, chẳng hạn như Ford SYNC thế hệ cũ (Ảnh minh họa)

Người dùng Apple CarPlay và Android Auto nhanh hơn 5 giây khi thực thi thao tác gọi điện và 15 giây khi lập trình hệ thống định vị so với khi họ sử dụng hệ thống giải trí tiêu chuẩn trên xe. AAA cũng khuyến cáo các hãng xe nên tích hợp hệ thống điều khiển thông minh bằng giọng nói qua cử chỉ lên xe dưới dạng tiêu chuẩn càng sớm càng tốt. Việc tiết kiệm được thời gian người lái bỏ ra để điều chỉnh hệ thống thông tin giải trí có thể giúp giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông vì xao nhãng khi lái xe đi rất nhiều, AAA cho biết.

Tham khảo: Autonews