Người ta gọi ông là "thần côn" bởi ông có khả năng điều trị những sợi dây cáp sử dụng làm dây côn, dây ga, dây phanh một cách hiệu quả. Chỉ cần qua tay ông một lần, tay côn, tay ga và tay phanh bỗng trở nên nhẹ nhàng và nhanh nhạy lạ thường. Hơn nữa chúng lại có độ bền cao, có khi phải vài năm sau người ta mới phải quay trở lại để sửa chữa.
Cửa hàng không biển hiệu, số nhà dùng chung nằm trên phố Lê Ngọc Hân
Quay trở lại gần 20 năm về trước, Tốt nghiệp khoa cơ khí tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ông Quyết mở một cửa hàng sửa chữa xe máy để làm nghề. Thời ấy, những chiếc xe gắn máy đa phần đều là xe đã qua sử dụng và mất nhiều tháng lênh đênh trên biển để về tới Việt Nam. Đa phần dây ga, dây phanh đều đã bị han rỉ bởi muối biển. Phụ tùng xe máy thời đấy rất hiếm, những sợi dây côn dây ga đều quý, người ta phải tận dụng lại những sợi dây đã đứt từ xe khác có đủ chiều dài để lắp. Tuy nhiên những sợi dây này đều nhanh chóng bị đứt hỏng.

Cắt gọt từng chút một, những điểm yếu của vỏ dây côn cũ dần được loại bỏ.
Khác với nhiều thợ sửa chữa khác, ông Quyết đặc biệt quan tâm tới những sợi dây cáp này và quyết tâm nghiên cứu để làm sao những sợi dây cáp dùng trong xe máy trở nên bền và tốt hơn. Điều đó khiến ông từ bỏ xưởng sửa chữa xe máy và chuyển qua tập trung làm về sửa chữa, bảo dưỡng dây cáp trên xe máy.

Những đầu chốt thế này không có tuổi thọ cao và dễ bị đứt gãy.
Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã hiểu nguyên lý và cơ chế hoạt động của các hệ thống này. Nhận thấy ngoài việc chọn cáp tốt, các chốt ở các đầu dây cũng quan trọng không kém. Đa phần việc xảy ra đứt gãy đều ở vị trí này và ở thời đó cũng chỉ có duy nhất một cách là sử dụng ốc vít có đục lỗ để ghim hoặc dùng thiếc để hàn lại. Cách này chỉ sử dụng được một thời gian ngắn bởi các mối hàn và ốc vít tỏ ra rất yếu, nhanh bị gãy đứt và không phù hợp. Sau nhiều tháng trăn trở và nghiên cứu, ông Quyết đã tìm ra cách để làm các đầu chốt một cách bền nhất và giản tiện nhất.

Căn buồng chật chội với toàn dây là dây.
Ông dùng một đoạn dây thép có tiết diện lớn, sau đó cắt nhỏ chúng ra thành từng đoạn chừng 2cm rồi khoan một lỗ nhỏ vừa đúng kích cỡ sợi dây cáp xuyên qua. Nguyên lý của đoạn chốt này khá đơn giản, sau khi lồng đầu sợi dây cáp qua, ông chỉ cần dùng búa đập mạnh vào hai đầu và xung quanh chốt, sức ép của thép sẽ ép chặt sợi dây cáp lại từ nhiều hướng. Chỉ cần sử dụng lực hợp lý và khéo tay một chút, nhanh chóng chiếc cáp sẽ có hai đầu chốt mới đảm bảo bền chắc. Công việc còn lại chỉ là việc mài bớt các đầu chốt sao cho vừa các lẫy cài trên xe.

Tán chốt thép mới - Bí kíp của ông Quyết.
Còn với các sợi dây cáp đã cũ hỏng, ông Quyết đã phải nghiên cứu rất nhiều các loại cáp có thể sử dụng cho xe máy. Cuối cùng ông cũng đã chọn được loại cáp vừa rẻ tiền lại có độ bền cao. Đó chính là các sợi cáp mà ông mua lại được từ những người sửa chữa xe ô tô, máy xúc, cần cẩu thải ra. Những loại cáp này đa phần đều có chất lượng cao hơn hẳn so với cáp sử dụng trên xe máy. Hơn nữa, nếu may mắn thì ông có thể kiếm được các loại cáp không rỉ. Những sợi cáp này đối với ông thật sự đáng quý, bởi nó có độ dẻo dai và độ bền cao. Công đoạn còn lại phải nhờ tới kinh nghiệm và sự khéo léo của ông để hoàn thành, mài dũa sao cho vừa, căn chỉnh sao cho chuẩn, đi dây sao cho hợp lý.

Mài dũa đầu chốt sao cho vừa các lẫy.
Ở cửa hàng của ông, gần 20 năm nay không hề có biển hiệu và chỉ rộng có hơn 4 mét vuông. Thế nhưng những dân chơi xe phân khối lớn hoặc những người sửa thợ sửa xe máy, không ai là không biết đến ông cả. Người ta đến với ông một lần, rồi phải tới vài năm sau họ mới quay trở lại để sửa chữa. Cảm nhận của mọi người về ông đều chung một suy nghĩ: Ông Quyết là người có tâm với nghề, sống vì nghề. Và đôi khi mới sắm cho mình chiếc xe mới, họ đã vội nhớ tới ông và đưa xe đến nhờ ông "bắt bệnh" và "điều trị" ngay trước khi những sợi cáp kịp đứt. Có người 2 năm liền mới quay trở lại nhờ ông sửa dây côn, thế nhưng ông vẫn lấy chỉ lấy ngần đấy tiền.


"Gia tài" của ông Quyết.
Ngày tôi quay lại thăm ông, ông đi vắng. Thay vào đó là người con trai nay đã theo nghiệp bố, chỉ cần liếc mắt qua một chút, anh đã biết rõ bệnh tình của sợi dây côn như thế nào. Bàn tay nhanh thoăn thoắt, anh bới chọn cho tôi sợi dây mà tôi ưng ý nhất. Đó là một sợi dây cáp bằng thép không rỉ, anh nhanh chóng làm cho tôi một sợi dây côn dầy và chắc chắn. Sau những công đoạn gọt giũa và lắp đặt. Cái giá tôi phải trả cho sợi dây côn này là 40.000 vnđ.

Ướm thử dây, sợi dây cáp mới có tiết diện lớn hơn.
Hỏi anh về cửa hàng mới, anh T (con trai ông Quyết) nói một cách tự tin và đầy phấn khởi rằng: "Nay cửa hàng đã có thể sửa chữa thêm nhiều loại xe mới. Những xe tay ga đắt tiền như Spacy, Sh, Ps đều đến đây để làm lại dây ga, dây phanh để sử dụng nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt với những chiếc xe Piaggio LX hay bị hiện tượng kẹt dây ga, khi lên đây làm lại dây mới sẽ hết bị hiện tượng này". Về giá thành của những bộ dây ga, dây phanh cho những chiếc xe ga đắt tiền, anh cho biết cũng chỉ dám lấy của khách 70 đến 90 ngàn đồng thôi, vì phải lựa dây tốt.

"Xong rồi đấy..!!"
Ra về mà không gặp được ông Quyết, lòng hơi thoáng buồn. Hình ảnh của một ông già đeo kính lão dầy cộp, đôi bàn tay đen nhẻm vì dầu mỡ vẫn hàng ngày đập đập cắt cắt những sợi dây cáp, với nụ cười luôn nở trên môi, kỳ lạ thay, dường như cứ đọng lại mãi như một vệt đam mê cũ kỹ không thể quên trên đất kinh kỳ.