Chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc

Thuế suất nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN sẽ về mức 0% vào năm 2018. Hầu hết các liên doanh trong nước đã chọn cách “đổi nghề”, chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc xe hơi.

Toyota Việt Nam, liên doanh lắp ráp ôtô lớn nhất nước đã quyết định nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe Fortuner 2017 từ Indonesia. Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Fortuner là Everest và Pajero Sport cũng được Ford và Mitsubishi nhập khẩu từ Thái Lan.

Không những thế, 100% xe bán tải cỡ nhỏ bán tại Việt Nam đều có xuất xứ Thái Lan. Một vài cái tên có thể kể tới là Ford Ranger, Mazda BT-50, Nissan NP300 Navara, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado, Isuzu D-Max và Toyota Hilux.

2 doanh nghiệp Việt “ngược dòng” với tham vọng xuất khẩu ôtô - Ảnh 1.

Ngoài Indonesia và Thái Lan, các nước G7 cũng là nơi thu hút liên doanh trong nước đến nhập khẩu xe. Ford Việt Nam đã quyết định nhập khẩu mẫu xe Explorer từ Mỹ. Trước đó, Mitsubishi đã chọn Nhật Bản là nơi cung cấp mẫu crossover SUV Outlander cho thị trường Việt Nam. Liên doanh Mercedes-Benz VN cũng quyết định nhập khẩu mẫu xe E300 nguyên chiếc từ Đức để phục vụ thị trường.

2 doanh nghiệp “ngược dòng”

“Ngược dòng” so với hầu hết các liên doanh trong nước, Trường Hải và Thành Công lại chọn nhắm vào thị trường nước ngoài để xuất khẩu. Trong tương lai, có thể những chiếc xe du lịch Mazda và Hyundai sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối tới các nước ASEAN.

Đối với Mazda, hãng xe Nhật Bản này cũng đã có cơ sở lắp ráp ôtô tại Thái Lan. Nhưng nhu cầu tăng cao đột biến sau khi hãng áp dụng ngôn ngữ thiết kế Kodo, đang khiến lượng xe có nguy cơ thiết hụt so với nhu cầu. Trong bối cảnh đó, Trường Hải đã thuyết phục được Mazda chuyển giao công nghệ và khởi công dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm với số vốn 500 triệu USD, tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam). Sau khi hoàn thành vào tháng 4/2018, những chiếc xe Mazda do Trường Hải sản xuất sẽ có tỷ lệ nội địa hóa 40%, đủ đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc ASEAN.

2 doanh nghiệp Việt “ngược dòng” với tham vọng xuất khẩu ôtô - Ảnh 2.

Tương tự Mazda, Hyundai cũng chưa có một nhà máy tầm cỡ tại khu vực Đông Nam Á. Mẫu xe Grand i10 được ưa chuộng phần lớn được xuất xưởng tại Ấn Độ. Nhà máy lắp ráp nhỏ ở Malaysia chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu tại địa phương. Có thể điều này đã khiến Thành Công chọn bước đi tương tự Trường Hải, chuyển từ phân phối sang lắp ráp hướng tới xuất khẩu.

Thành Công đang đầu tư xây dựng một dây chuyền dập chi tiết thân vỏ xe từ thép tấm, sản xuất một số linh kiện khác, dưới sự chuyển giao công nghệ của Hyundai Hàn Quốc. Điều này giúp nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40% để đáp ứng điều kiện xuất khẩu xe hơi đi các nước thuộc ASEAN. Bên cạnh đó, Thành Công cũng đã xúc tiến đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình) với công suất 120.000 xe/năm (nhà máy hiện tại có công suất chỉ 40.000 xe/năm) nhằm phục vụ xuất khẩu. Theo dự kiến, nhà máy trị giá 500 triệu USD này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019.

2 doanh nghiệp Việt “ngược dòng” với tham vọng xuất khẩu ôtô - Ảnh 3.

Thực tế, cơ hội xuất khẩu ôtô của Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN là có thật. Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN quy định mức thuế nhập khẩu 0% đối với mặt hàng ôtô sẽ khiến xe sản xuất nội khối có tính cạnh tranh về giá so với xe được nhập khẩu từ bên ngoài. Vấn đề là Trường Hải và Thành Công sẽ triển khai các dự án của mình ra sao để nắm bắt cơ hội. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của Trường Hải và Thành Công mới ở mức 18% và 12%, cách khá xa tiêu chuẩn 40% để hưởng mức thuế 0%.